Năm 2019 là năm nắng nóng thứ 2 trong lịch sử toàn cầu với nhiều hiểm họa
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:30, 12/01/2020
Đài Sputnik (Nga) ngày 9/1 dẫn nguồn báo cáo từ Cơ quan Giám sát Biến đổi Khí hậu Copernius (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cho biết nhiệt độ trung bình năm 2019 chỉ thấp hơn năm 2016, năm có nhiệt độ nóng nhất trong lịch sử toàn cầu.
Theo số liệu của C3S, trong năm 2019, nhiệt độ trên toàn cầu tăng 0,6 độ C so với mức trung bình giai đoạn từ năm 1981 đến năm 2010. Trong đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 7/2019 được ghi nhận là nóng nhất, cao hơn mức nóng nhất hồi tháng 7/2016 là 0,05 độ C.
C3S cũng cho biết rằng 5 năm qua là giai đoạn nóng bất thường kể từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thống kê rằng nhiệt độ trung bình trên Trái Đất trong 5 năm qua tăng từ 1,1 đến 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong đó, 2019 được ghi nhận là năm nóng chưa từng thấy tại châu Âu.
“Thập kỷ qua cũng được coi là thập kỷ có nhiệt độ cao nhất. Đây đều là những dấu hiệu đáng báo động”, ông Jean-Noel Thepaut, Giám đốc Trung tâm Dự báo thời tiết châu Âu (ECMWF) cho biết trong một tuyên bố.
Ông Carlo Buontempo – Chủ tịch Cơ quan C3S – xác nhận 2019 là một năm ấm áp bất thường. Theo cơ sở dữ liệu được báo cáo, thực tế đây là năm nóng kỷ lục thứ 2 trên toàn cầu với nhiều tháng ghi nhận mức nhiệt tăng phá vỡ kỷ lục.
Dựa trên nhiệt độ trong quý 1, năm 2019 có thể là năm nóng thứ 2 hoặc thứ 3 được ghi nhận cho tất cả các loại nhiệt độ bề mặt, sau năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là thời điểm nắng nóng nhất trong năm và năm 2019 vẫn đang có xu hướng phá vỡ kỷ lục nhiệt độ cao của mọi thời đại.
Riêng tại Việt Nam, những ngày cuối tháng 4 vừa qua cũng đã xảy một đợt nắng nóng khó chịu. Nhiệt độ ở Hà Tĩnh – tỉnh nằm ở tâm chấn của đợt nóng – đạt mức nhiệt 43,4 độ C hôm 20/4, và đây là mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 5 năm 2015.
Theo báo cáo tháng 8 của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 7 năm 2019 là tháng nóng nhất trên Trái đất, vượt qua cả tháng 7 của năm 2016.
Nhiệt độ cao đã trở thành tiêu đề gây chú ý trên toàn thế giới vào năm 2019, khi lục địa châu Âu trải qua các trận nắng nóng kéo dài vào tháng 6 và tháng 7. Trong khi đó, băng ở vùng biển Alaska đã hoàn toàn tan chảy, theo dữ liệu vệ tinh từ Sở thời tiết quốc gia Mỹ (NWS), trong khi các vụ cháy rừng chưa từng có trong tiền lệ đã tàn phá Australia kể từ tháng 9 cho tới nay.
Các nhà khoa học xếp hiện tượng “ấm lên toàn cầu” và “biến đổi khí hậu” là một trong những “thảm họa đe dọa sự tồn vong của nhân loại”. Những thảm họa khác được xếp chung với nhóm này bao gồm thiên thạch khổng lồ lao vào Trái Đất, chiến tranh hạt nhân, dịch bệnh quy mô toàn cầu…
Ngọc Linh (t/h)