Indonesia: Hai hòn đảo bị “nhấn chìm” do mực nước biển dâng cao
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 04:00, 20/01/2020
Theo diễn đàn Môi trường Indonesia, các hòn đảo nhỏ không có người ở Bethe và Gundul đã chìm xuống ở độ sâu tương ứng là 1 và 3 mét dưới mực nước biển, trong khi bốn hòn đảo khác cũng sắp sửa biến mất.
Theo ông Hairul Sobri, Giám đốc điều hành trang Walhi, các hòn đảo trên không có người sinh sống. Trong đó, đảo Betet thuộc phạm vi công viên quốc gia Berbak-Sembilang.
Nếu không có nỗ lực đáng kể nào để giải quyết vấn nạn nước biển dâng, bốn hòn đảo khác trong khu vực chỉ cao chưa đầy 4 mét so với mặt biển có thể sớm chịu chung kết cục.
Tình trạng nước biển dâng tại Indonesia ngày càng nghiêm trọng.
Nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu rõ ràng đe dọa đến các đảo quốc như Indonesia, nơi có hàng triệu người đang sống tại những vùng ven biển trải khắp xấp xỉ 17.000 hòn đảo.
Không chỉ vùng Sumatra, thủ đô Jakarta của Indonesia là một trong những thành phố đang chìm nhanh nhất trên thế giới do nước biển dâng và khai thác nước ngầm quá mức.
Tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến các đại dương nóng lên đến mức kỷ lục trong toàn bộ lịch sử. Điều này không chỉ đe dọa cá, mà còn có thể gây ra các sự kiện thời tiết đặc biệt xấu, sẽ gây ra những hậu quả tai hại cho hành tinh.
Theo một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Advances in Atmospheric Sciences, nhiệt độ trung bình của đại dương hiện nay cao hơn 0,075 độ C so với mức trung bình trong giai đoạn 1981-2010.
Mặc dù sự gia tăng có vẻ không đáng kể, nhưng đó là một lượng nhiệt khổng lồ đang lan khắp đại dương. Theo các nhà khoa học, trong vòng 25 năm qua, các đại dương đã hấp thụ rất nhiều năng lượng, tương đương với 3,6 tỷ vụ nổ bom nguyên tử ở thành phố Hiroshima.
Lê An (t/h)