Sông băng 15.000 tuổi tan có thể gây ra “kịch bản tồi tệ” virus cổ xưa được giải phóng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 01:30, 17/01/2020
Nhóm nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc nghiên cứu hai lõi băng từ sông băng ở cao nguyên Tây Tạng và phát hiện 33 mầm bệnh, 28 trong số đó chưa từng được biết đến. Họ cho biết sự nóng lên toàn cầu đang đe dọa làm tan chảy sông băng trên thế giới và gây ra “kịch bản xấu nhất”, virus được giải phóng vào khí quyển.
Dấu tích của các vi sinh vật cổ sẽ cung cấp thêm thông tin về khí hậu thời xưa và sự tiến hóa của Trái Đất. Khi khí hậu biến đổi lớn, các nhà khoa học hy vọng thông tin này sẽ giúp họ nắm được vi sinh vật nào có khả năng sống sót, môi trường tương lai sẽ như thế nào.
Tình trạng ấm lên toàn cầu do con người gây ra đang khiến các sông băng trên thế giới thu nhỏ, giải phóng vi sinh vật và virus mắc kẹt bên trong suốt hàng nghìn năm. “Điều này có thể làm tổn thất mẫu lưu trữ giúp đem lại thông tin về khí hậu Trái Đất thời xưa. Trong trường hợp xấu, băng tan có thể giải phóng các mầm bệnh ra môi trường”, nhóm nghiên cứu cảnh báo.
Cao nguyên Tây Tạng
Các nhà khoa học từ Mỹ và Trung Quốc khoan sâu 165ft (50 mét) vào sông băng cao nguyên Tây Tạng để tìm hiểu về các mầm bệnh. Dự án kéo dài 5 năm, cho phép họ đảm bảo phát hiện ra các loại virus cổ xưa và không chỉ hạn chế sự ô nhiễm từ thế giới hiện đại.
Phần lớn các mầm bệnh này đều chưa được giới khoa học biết đến nên gần như không thể dự đoán ảnh hưởng của chúng đối với con người. Năm 2016, một loại vi khuẩn không hoạt động trong thời gian dài đã được giải phóng khỏi băng, làm bùng phát dịch bệnh than ở Serbia bắt nguồn từ sự tan băng vĩnh cửu cổ xưa.
Hơn 2.300 con tuần lộc chết trong dịch, tại khu vực Yamalo-Nenets ở Siberia. Các gia đình di tản khỏi khu vực và quân đội được đưa vào để ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Tám người được xác nhận là bị nhiễm bệnh than, có thể gây tử vong, và hàng chục người khác được kiểm tra để đảm bảo họ không bị nhiễm bệnh. Mầm bệnh than có thể tồn tại trong thời gian rất dài. Dịch bệnh khi đó được cho là do tầng đất vĩnh cửu tan ra, để lộ xác tuần lộc bị nhiễm bệnh nhiều thập kỷ trước.
Lê Anh (t/h)