Bến Tre: Mặn xâm nhập sâu, rủi ro thiên tai cấp độ 2
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:28, 02/02/2020
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, tại các cửa sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông độ mặn đo được dao động từ 25 – 30‰. Độ mặn 4‰ đã xâm nhập vào đất liền cách cửa sông khoảng 48-68km, độ mặn 1‰ xâm nhập vào đất liền cách cửa sông từ 63-83km. Hiện tình trạng mặn xâm nhập ở tỉnh này đang ở mức rủi ro thiên tai cấp độ 2.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành quyết định về tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Bến Tre cũng đã đưa vào sử dụng một số công trình ứng phó với hạn mặn như cống đập ngăn mặn, hồ trữ nước ngọt Ba Tri đáp ứng nhu cầu nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; nhà máy nước Khu công nghiệp Giao Long đã đưa vào sử dụng hệ thống công nghệ xử lý tái sử dụng nước thải công nghiệp.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Tại một số huyện biển như Ba Tri, Bình Đại, Bộ tư lệnh Vùng 2 hải quân thực hiện những chuyến tàu vận chuyển nước ngọt từ TP.HCM đến cung cấp cho người dân vùng nhiễm mặn.
Dự báo thời gian tới, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn càng gay gắt hơn; trên 24.795ha lúa đông xuân và 340ha rau màu bị thiệt hại hoặc giảm năng suất do thiếu nước… Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo các cơ quan trên địa bàn tăng cường ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Theo đó, ngành nông nghiệp và các địa phương khẩn trương khảo sát, rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại cụ thể từng trà lúa, hoa màu; qua đó có giải pháp phù hợp để huớng dẫn đơn vị và người dân thực hiện, nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.
Tại Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng… do nước mặn xâm nhập sâu và gây nhiều thiệt hại về sản xuất, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và người dân nỗ lực hạn chế bằng cách tưới tiết kiệm, đóng hệ thống cống ngăn mặn và chuyển đổi cây trồng phù hợp.
Minh An (T/h)