Bến Tre: Đối mặt nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:30, 11/02/2020
Theo Ðài Khí tượng – Thủy văn tỉnh Bến Tre, nước mặn đã xâm nhập sâu vào các tuyến sông trên địa bàn. Cụ thể, độ mặn bốn phần nghìn xâm nhập sâu nhất đến xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc) trên sông Hàm Luông, cách cửa sông khoảng 60 km; độ mặn một phần nghìn đã xâm nhập sâu nhất đến thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách) trên sông Cổ Chiên, cách cửa sông khoảng 76 km. Hiện tại, nước mặn xâm nhập hầu như toàn bộ các nhánh sông trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Tại các huyện nằm sâu trong đất liền như Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Chợ Lách, gần đây cũng bị ảnh hưởng bởi nước mặn. Khi nước mặn về sớm, bất ngờ khiến nhiều người không kịp trở tay.
Ảnh minh họa
Từ những ngày đầu tháng 12/2019, nước mặn theo dòng sông Cổ Chiên xâm nhập sâu vào đất liền khiến hàng nghìn hộ dân trồng hoa cảnh Tết và cây giống tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre lo lắng vì không có nước ngọt để tưới cho cây.
Trước tình hình nêu trên, mới đây Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bến Tre Bùi Văn Lâm, đã ký công văn gửi các huyện, thành phố, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông về việc khẩn trương ứng phó tình hình hạn, mặn. Theo đó, tỉnh khuyến cáo không xuống giống vụ lúa đông xuân. Ðể hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra, Sở đề nghị các đơn vị liên quan, các địa phương cùng đoàn thể vận động người dân ngưng xuống giống vụ lúa đông xuân; đối với diện tích đã xuống giống không tiếp tục chăm sóc, đầu tư nhằm giảm thiệt hại; đối với cây ăn quả, tăng cường kiểm tra độ mặn, thông tin kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; trữ nước ngọt nhằm đủ cung ứng cho cây trồng. Trung tâm khuyến nông phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh và các đơn vị liên quan theo dõi, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp canh tác cây trồng thích ứng điều kiện hạn, mặn.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre Võ Văn Nam cho biết, ngành nông nghiệp đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ứng phó tình hình hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt. Trong đó, đối với vườn cây ăn trái, bà con đã chủ động trữ nước tưới, mua dụng cụ đo độ mặn để tránh thiệt hại. Ðồng thời, tập trung tuyên truyền cho người dân để khuyến cáo việc trữ nước ngọt bằng mọi hình thức nhằm phục vụ tưới; sử dụng các giải pháp kỹ thuật tưới tiết kiệm, ủ gốc… trong mùa hạn hán, xâm nhập mặn.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm thích ứng biến đổi khí hậu.
Trong đó, thực hiện Nghị quyết 120, ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh Bến Tre điều chỉnh quy hoạch cấp nước, quy hoạch nuôi trồng thủy sản, quy hoạch sử dụng đất trong tích hợp cùng quy hoạch của tỉnh. Ðồng thời, ngành nông nghiệp sắp xếp, triển khai quy hoạch ở ba vùng sinh thái gồm: mặn, lợ, ngọt. Hiện, diện tích canh tác lúa giảm 10.000 ha để chuyển sang nuôi thủy sản ở vùng mặn, trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như dừa, cây ăn trái, rau màu, cỏ phục vụ chăn nuôi và đất phi nông nghiệp; diện tích dừa từ 68.000 ha tăng lên 72.000 ha; diện tích cây ăn quả cũng tăng từ 27 nghìn ha lên hơn 28 nghìn ha. Qua đó, giúp sản xuất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.
Hạn mặn năm 2020 diễn ra gay gắt hơn năm 2016 nhưng đã được cảnh báo sớm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã sớm có chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn mặn, thiệt hại có thể sẽ thấp hơn rất nhiều so với năm 2016 nếu được các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân chủ động, tích cực phòng tránh. Lo dịch bệnh nhưng không quên hạn mặn cũng là yêu cầu cấp bách.
Minh Anh (t/h)