LHQ cảnh báo biến đổi khí hậu đe dọa trực tiếp đến trẻ em
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 01:30, 20/02/2020
Kết luận trên đã được đề cập trong báo cáo đáng chú ý của LHQ, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ủy quyền công bố ngày 19/2 trên tạp chí y học The Lancet.
Biến đổi khí hậu với lượng CO2 ngày càng tăng đang “thử thách” hệ sinh thái của chúng ta. Các vấn đề như không khí bị ô nhiễm, thiếu nước ngọt, nhiên liệu bị khan hiếm… không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn liên quan đến vấn đề sinh tồn.
Trên toàn thế giới, biến đổi khí hậu đang biến những mùa hè rực rỡ thành ác mộng về nhiệt độ, gây hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, do tác động trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu, mực nước biển trên đại dương toàn cầu đã tăng từ 15-20cm kể từ năm 1900.
Báo cáo đặc biệt nhấn mạnh đến việc trẻ em ngày nay đang phải đối mặt với các quảng cáo nguy hại lan tràn trên thị trường về những loại thực phẩm nhiều chất béo và đường, rượu bia và thuốc lá.
Giáo sư Anthony Costello – Giám đốc Viện Y tế toàn cầu thuộc Đại học London (UCL) nêu rõ: “Thông điệp to lớn gửi tới các nước là cần phải bảo vệ sức khỏe của trẻ em ngày nay và tương lai của con em chúng ta”. Ông nhấn mạnh hiện có giải pháp đối với vấn đề này, và điều thế giới không có hiện nay, đó là sự lãnh đạo mang tính chính trị. Giáo sư nhấn mạnh đây là điều mà thế giới cần làm trong tương lai. Đồng tình với nhận định trên, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh các nhà hoạch định chính sách thất bại trong việc bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của trẻ em cũng như bảo vệ hành tinh Xanh.
Những nội dung đề cập trong báo cáo cũng đã phản ánh kết quả đánh giá về hành động của 180 nước trên thế giới trong vấn đề sinh hoạt, giáo dục, dinh dưỡng của trẻ em, trong đó đề cập đến thực tế đối lập giữa tỷ lệ trẻ em suy dinh dinh dưỡng và trẻ em béo phì.
Hiện có 250 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước có thu nhập trung bình được đánh giá là kém phát triển do bị suy dinh dưỡng và chịu ảnh hưởng của nghèo đói. Trong khi đó, số lượng trẻ em béo phì trên toàn thế giới đã tăng gấp 11 lần kể từ năm 1975 và hiện đã lên tới 124 triệu trẻ.
Ngọc Linh (t/h)