Kiên Giang: Chủ động ứng phó tích cực với nước biển dâng

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:31, 19/02/2020

Moitruong.net.vn – Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh gây nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016, nếu mực nước biển dâng 100 cm, Kiên Giang là tỉnh ven biển sẽ đối mặt với nguy cơ ngập cao nhất (77%), trong đó huyện An Biên (95,46%), huyện Giang Thành (98,93%). Do đó, trước tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn biến phức tạp như hiện nay,  tỉnh Kiên Giang đã có những biện pháp chủ động ứng phó, thích nghi, biến thách thức thành cơ hội.

Hiện nay, Kiên Giang đang triển khai các biện pháp, xây dựng một số công trình ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đó là: Xử lý, bảo vệ xói lở bờ biển giai đoạn 1 ở khu vực Mũi Rãnh, huyện An Biên; Khắc phục đoạn đê biển bị đứt khoảng 250 m ở khu vực vàm Kim Quy và các điểm sạt lở cục bộ từ Kim Quy đến Tiểu Dừa, huyện An Minh; Thi công công trình kiểm soát mặn, giữ ngọt cống Kênh Nhánh, thành phố Rạch Giá.

Đồng thời, tỉnh cũng đã triển khai Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 24/02/2017 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình “Thoát nước và chống ngập úng tại các đô thị quy mô vừa vùng duyên hải Việt Nam ứng phó với biến đối khí hậu” giai đoạn 2 nhằm chống ngập ở các thành phố, đô thị lớn của địa phương.

Song song với đó, tỉnh đã thực hiện “Kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2014 – 2020” tại Quyết định số 1249/QĐ-UBND ngày 11/6/2014 với các nhiệm vụ: Nâng cao năng lực thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển, đảo tại thành phố Rạch Giá, huyện Kiên Hải và huyện Phú Quốc; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và các cán bộ chính quyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển, hải đảo với bộ phim tài liệu “Biển đảo Kiên Giang – Tiềm năng và định hướng”, “Biển và Hải đảo Kiên Giang”…

Kiên Giang thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Lập và triển khai thực hiện phân vùng chức năng khai thác, sử dụng vùng biển và ven biển tỉnh Kiên Giang với Dự án “Phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ tỉnh Kiên Giang”, sẽ làm cơ sở phục vụ xây dựng Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Kiên Giang năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Lập hồ sơ/báo cáo hiện trạng vùng bờ cấp tỉnh Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Tổ chức/ Đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) hỗ trợ Việt Nam thực hiện Dự án “Tăng cường thực hiện Chiến lược phát triển bền vững biển Đông Á tại Việt Nam giai đoạn 2015-2019” (Dự án SDS-SEA). Sở Tài nguyên và Môi trường có tổ chức buổi làm việc với Đoàn công tác của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, các bên đã rà soát, cập nhật thống nhất các nội dung, hoạt động phù hợp với thời gian dự án gia hạn, chuẩn bị cho việc ký kết hợp đồng, triển khai thực hiện dự án cho tỉnh Kiên Giang.

Tỉnh đã tổ chức thực hiện Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển, đảo tỉnh Kiên Giang”. Hiện nay, dự án đã hoàn thành và đang tiếp tục cập nhật trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang. Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức triển khai thực hiện 13 đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Trong những năm qua, tỉnh Kiên Giang luôn bảo vệ, phát triển rừng bền vững, tăng cường hấp thụ khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học, tổng diện tích rừng được trồng 1.905,45 ha, trong đó, diện tích rừng trồng mới là 479,4 ha, số diện tích còn lại 1.426,05 ha là rừng trồng lại sau khai thác và rừng trồng trên đất đã có rừng (rừng chết, rừng được thanh lý trồng lại…).

Một góc rừng U Minh.

Bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị trong toàn tỉnh đã triển khai trồng được 257.800 cây xanh các loại (sao, dầu, bằng lăng, dương, xà cừ, phượng, tràm bông vàng, tràm úc, bạch đàn…), trong đó năm 2018 là 109.900 cây và năm 2019 là 147.900 cây. Ngoài ra, hằng năm, còn vận động trong dân trồng thêm trên 300.000 cây lâm nghiệp các loại, chủ yếu là Tràm bông vàng, Bạch đàn…trên các bờ đê, kênh của hộ gia đình, mục đích làm tăng độ che phủ rừng và tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tổng diện tích rừng trồng được khai thác 1.033,82 ha, chủ yếu là rừng tràm. Cụ thể, năm 2018, diện tích rừng được khai thác 889,96 ha; năm 2019, diện tích rừng được khai thác 143,86 ha. Bên cạnh đó, có 02 khu bảo tồn đó là Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng cỏ bàng tại Xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành và Khu bảo tồn biển Phú Quốc.

Ngoài ra, đặc biệt chú trọng đến việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), hạn chế thấp nhất cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra; triển khai có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCCR; đảm bảo sự quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, trách nhiệm trong phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác PCCCR; kịp thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCCCR trong giai đoạn nắng nóng cao điểm dễ xảy ra cháy, nghiêm cấm tuyệt đối hoạt động đốt xử lý thực bì, vệ sinh rừng và đốt lửa trái phép trong rừng, ven rừng vào thời kỳ cao điểm dễ xảy ra cháy rừng; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCCR bằng nhiều hình thức, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về PCCCR….

Trương Anh Sáng

Trương Anh Sáng