Bão Dennis gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều nước Châu Âu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:30, 19/02/2020
Tại Anh, bão Dennis gây ngập lụt tại nhiều khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông, ít nhất 170 chuyến bay bị hủy. Sức gió mạnh được ghi nhận lên tới 150 km/h tại Aberdaron, South Wales, buộc giới chức Anh phải ban bố số lượng cảnh báo lũ lụt lên mức kỷ lục, với 594 cảnh báo được đưa ra, trải dài từ khu vực River Tweed của Scotland đến Cornwall, phía Tây Nam nước Anh trong 2 ngày cuối tuần qua.
Bão Dennis đã làm 2 người thiệt mạng ở khu vực Tây Nam nước Anh. Sức gió hơn 150km/giờ được ghi nhận tại Aberdaron, phía Nam xứ Wales. Cảnh sát hạt Gwent đã khuyến cáo người dân sống tại làng Skenfrith ở Monmouthshire, xứ Wales, di tản do nguy cơ xảy ra ngập lụt nghiêm trọng.
Sóng lớn gây thiệt hại tại một số khu vực ở phía tây nước Anh. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, miền Tây Bắc nước Pháp cũng bị ảnh hưởng của bão Dennis, vùng Finistere và Morbihan đang được đặt trong mức cảnh báo cam và bị mất điện trên diện rộng, khiến khoảng 60.000 người bị ảnh hưởng. Theo Cơ quan Khí tượng Pháp, sức gió của bão Dennis đã giảm xuống 100km/giờ khi đi qua nước này nhưng dự báo sẽ tăng trở lại khi quét qua Đức, Đan Mạch và Thụy Điển. Trong khi đó, tại Đức, ít nhất 9 người đã bị thương trong các vụ tai nạn ô tô do cơn bão Dennis.
Bão Dennis cũng gây ra tình trạng lụt lội khiến các tuyến đường bộ phải đóng cửa và mất điện trên toàn khu vực Bắc Âu và vùng Bantic. Tại Na Uy, hơn 6 tuyến đường bộ đã phải đóng cửa. Thành phố Kolding, ở miền Tây Nam của Đan Mạch bị ngập lụt. Cơ quan cứu hộ khẩn cấp của thành phố đã phải dùng bơm để hút nước ra khỏi các tầng ngầm và phải sử dụng tới các bao cát để ngăn nước. Tại Estonia, khoảng 1.200 hộ gia đình đã bị mất điện. Một vài chuyến phà qua lại giữa Đan Mạch và Na Uy đã phải ngừng hoạt động do bão.
Đây là cơn bão thứ 2 tấn công châu Âu chỉ trong vòng 7 ngày, sau khi siêu bão Ciara đổ bộ vào khu vực này. Diễn biến này cho thấy, hạn chế những thiệt hại do tình trạng biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề cấp bách tại lục địa già.
Để giải quyết vấn đề trên, châu Âu cũng đề ra những yêu cầu cao đối với các quốc gia thành viên. Từ nay cho tới năm 2030, mục tiêu giảm 40% lượng phát thải khí gas gây hiệu ứng nhà kính so với mức năm 1990. Mặt khác, cơ quan hành pháp của châu Âu còn hướng tới việc trung hòa khí carbon vào năm 2050.
Mai An (T/h)