Cà Mau đương đầu với thiên tai kép
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 06:00, 26/02/2020
Hạn mặn chưa hết sạt lở lại bủa vậy
Tuyến đường Tắc Thủ – Vàm Đá Bạc có vốn đầu tư hơn 702 tỷ đồng. 13km thuộc giai đoạn đầu được thông xe kỹ thuật hơn một năm đã xuất hiện 2 điểm sụp lún lớn. Nhiều điểm khác có dấu hiệu rạn nứt. Chính quyền địa phương đã phải cấm xe trọng tải lớn lưu thông qua đây.
Hiện tỉnh Cà Mau có hơn 900 vị trí sụp lún đất tập trung ở vùng ngọt hóa Trần Văn Thời. Gần 22km đường giao thông, trong đó có cả tuyến đê biển quốc phòng ở biển Tây, bị hư hỏng. Nguyên nhân được xác định là do hạn hán. Cụ thể, hạn hán kéo dài nên các con kênh ở vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau đã bị cạn trơ đáy. Đây là một trong những nguyên nhân khiến sụp lún gia tăng.
Dự báo mùa khô có thể kéo dài đến tháng 5. Tình trạng sụp lún đất ở vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau sẽ còn dữ dội hơn nếu không có giải pháp khắc phục. Tuy nhiện, việc có nước ngọt để bơm vào vùng ngọt hóa đối với tỉnh Cà Mau trong thời điểm này là bất khả thi. Hiện địa phương đang cân nhắc khả năng đưa nước mặn vào các con kênh để ngăn sụt lún, nhưng thực tế đưa như thế nào, lượng nước bao nhiêu đang là bài toán khó.
Kênh rạch vùng ngọt hoá của Cà Mau đang cạn trơ đáy
Sản xuất và sinh hoạt ảnh hưởng nặng nề
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, năm nay hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng xuất hiện sớm và gay gắt hơn trung bình các năm trước. Qua đó, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh.
Hiện, mực nước trên các hệ thống kênh, mương trong các tiểu vùng II, III Bắc Cà Mau thuộc các huyện U Minh và Trần Văn Thời tiếp tục duy trì ở mức rất thấp và đang tiếp tục giảm. Cụ thể, hệ thống kênh trục từ 0,9 -1,4 m, kênh cấp I mực nước từ 0,5 -0,7 m, trong đó một số kênh đã khô cạn; kênh cấp II, III hầu hết đã khô cạn.
Tính từ đầu năm đến ngày 19/2, trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 18.000ha các trà lúa bị thiệt hại (trong đó tỷ lệ thiệt hại từ 30 đến 70% với hơn 5.500ha, thiệt hại trên 70% hơn 12.500ha; theo trà lúa: Lúa – tôm thiệt hại hơn 15.900ha, trà lúa đông xuân hơn 2.100ha, lúa mùa hơn 100ha; rau màu bị thiệt hại là 3,6ha).
Diện tích rừng bị khô hạn đến nay hơn 42.800ha (trong đó cấp II là 8.160,4ha; cấp III là 11.450,6ha; cấp IV là 11.156,3ha; cấp V là 12.101,5ha). Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 20.500 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.
Theo ghi nhận thực tế những ngày qua tại các xã Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Tây, Trần Hợi của huyện Trần Văn Thời nhiều con sông đã kiệt nước khô trơ đáy, khiến cho người dân sản xuất nông nghiệp “đứng ngồi không yên” vì thiếu nước phục vụ tưới tiêu.
Ông Võ Văn Bền (55 tuổi), ngụ ấp Cơi 5, xã Khánh Bình Tây cho biết, gần cuối tháng 12 (âm lịch) ông và người thân trong gia đình đã xuống giống trồng gần 1ha đậu xanh. Lúc đầu, đậu xanh phát triển rất tốt nhưng được khoảng 25 ngày do ảnh hưởng của khô hạn nên bộ rễ cây đậu không thể phát triển đứng trước nguy cơ thua lỗ.
“Trước đó, với diện tích trên gặp thời tiết thuận lợi gia đình tôi thu hoạch khoảng 2 tấn đậu xanh thương phẩm. Do ảnh hưởng của khô hạn nên vụ này năng suất chỉ còn một nửa so với trước. Tôi cố gắng chăm sóc để hy vọng bán đủ chi phí đầu tư” – ông Bền nói trong ngán ngẩm.
Tỉnh Cà Mau có 3 mặt tiếp giáp biển, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa và nước ngầm, không có nước ngọt bổ sung trong mùa khô như một số tỉnh trong vùng, vì vậy Cà Mau thường xảy ra tình trạng thừa nước trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô. Tình trạng hạn hán tiếp tục kéo dài khiến nhiều địa phương của Cà Mau đang bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất, phòng cháy chữa cháy rừng, gây hư hỏng cho các tuyến đường giao thông trong vùng ngọt hóa và nguy cơ nước mặn xâm nhập vào nội đồng rất cao, gây bất lợi cho sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Hoài Thương