Xâm nhập mặn Đồng bằng sông Cửu Long có thể tăng trong tuần tới
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 06:37, 22/03/2020
Trong tuần tới, từ ngày 23-31/3, xâm nhập mặn ở vùng vựa lúa số 1 Việt Nam (Đồng bằng sông Cửu Long) có xu thế tăng nhẹ, sau đó giảm dần. Riêng độ mặn ở một số trạm như Long An, Cà Mau vẫn duy trì ở mức cao, xấp xỉ và cao hơn tuần trước.
Trong bối cảnh đó, cơ quan khí tượng khuyến cáo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tranh thủ tích trữ nước ngọt ngay khi có thể khi triều thấp; khi tưới cho cây ăn trái cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn để tránh thiệt hại.
Với diễn biến trên, cơ quan khí tượng dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng nhẹ đến ngày 26/3, sau đó giảm dần. Độ mặn cao nhất trong đợt này ở mức thấp hơn độ mặn thời kỳ 11-20/3, riêng độ mặn một số trạm Long An, Cà Mau duy trì ở mức cao, xấp xỉ và cao hơn tuần trước.
Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn từ 100-135km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, phạm vi xâm nhập mặn 65-70km; sông Cổ Chiên, phạm vi xâm nhập mặn 60-75km; phạm vi xâm nhập mặn tại sông Hậu từ 55-65km; sông Cái Lớn 58-63km.
Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này tại sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn là 85-110km; phạm vi xâm nhập mặn trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 52-60km; sông Cổ Chiên, sông Hậu 45-55km; sông Cái Lớn 43-52km.
Về xu thế nguồn nước và xâm nhập mặn mùa khô năm 2020, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết từ nay đến tháng 5/2020, dòng chảy từ thượng nguồn sông sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-20%.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mặc dù xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao đến cuối tháng 3/2020.
Trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau, khả năng xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020, sau giảm dần.
Đặc biệt, trong trường hợp cực đoan, nếu thời gian thiếu mưa kéo dài và việc tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập thì tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và trầm trọng hơn.
Đặc biệt, trong trường hợp cực đoan, nếu thời gian thiếu mưa kéo dài và việc tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập thì tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và trầm trọng hơn.
Do đó, trong thời gian từ 26/3 – 5/4, các địa phương vùng ĐBSCL cần tranh thủ tích trữ nước ngọt ngay khi có thể khi triều thấp, khi tưới cho cây ăn trái cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn tránh thiệt hại.
Dự báo trong thời gian tới, xâm nhập mặn tiếp tục đe dọa đến sinh trưởng, năng suất của 332.000ha lúa, 136.000ha cây ăn quả, 158.900 hộ có nguy cơ cao bị thiếu nước sinh hoạt…
Ngọc Linh (t/h)