Đồng bằng sông Cửu Long: Xâm nhập mặn có khả năng còn nghiêm trọng trong tháng 4

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:30, 06/04/2020

Moitruong.net.vn – Dự báo xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau có khả năng vẫn ở mức cao đến cuối tháng 4.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đầu tháng 4 đến tháng 5/2020, dòng chảy tại các trạm thượng nguồn sông Mekong ở mức tương đương trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2016 từ 5-20%.

Xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao. Xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020, sau giảm dần.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài và việc tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập sẽ làm cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn.

Từ đầu tháng Tư đến nay, khu vực Nam Bộ tiếp tục duy trì tình trạng không mưa, ngày nắng nhiều, trưa chiều độ ẩm giảm thấp, nhiệt độ tăng cao.

Nắng nóng tiếp tục xảy ra nhiều nơi, trong đó ở khu vực Đông Nam Bộ nhiều nơi nhiệt độ 36-37 độ C. Mực nước các trạm Chiang Saen (Thái Lan) đang lên và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1m, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 1m.

Các trạm thượng lưu sông Mekong biến đổi chậm, ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,4m. Các trạm trung và hạ lưu ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,6m.

Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu đang lên theo triều, mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,04m (ngày 4/4), tại Châu Đốc 1,21 m (ngày 4/4), cao hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 0,1m.

Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần vào cuối tuần. Độ mặn cao nhất tuần tại các trạm phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn tuần trước (26-31/3), riêng một số điểm trạm ở Long An, Kiên Giang ở mức cao hơn.

Dự báo dòng chảy tháng 4/2020 từ thượng lưu sông Mekong về ĐBSCL có khả năng vẫn ở mức thấp, kéo theo xâm nhập mặn tháng 4 ở ĐBSCL có khả năng vẫn còn ở mức nghiêm trọng. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt ở khu vực cửa sông Cửu Long từ 8-15/4.

Từ ngày 6-10/4, xâm nhập mặn tăng dần và đạt mức cao nhất vào cuối tuần. Độ mặn cao nhất trong đợt này ở mức tương đương thời kỳ 10-15/3, riêng một số trạm ở Long An, Kiên Giang có độ mặn cao hơn độ mặn cao nhất tháng 3/2020.

Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 110-135km. Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại có phạm vi xâm nhập mặn 65-70km. Sông Hàm Luông có phạm vi xâm nhập mặn 80-85km; Sông Cổ Chiên có phạm vi xâm nhập mặn 60-70km. Sông Hậu có phạm vi xâm nhập mặn 50-60km. Sông Cái Lớn có phạm vi xâm nhập mặn 55-63km.

Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 90-125km. Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại có phạm vi xâm nhập mặn 50-65km, Sông Hàm Luông có phạm vi xâm nhập mặn 70-78km. Sông Cổ Chiên, sông Hậu có phạm vi xâm nhập mặn 40-50km. Sông Cái Lớn có phạm vi xâm nhập mặn 52-60km. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức cấp độ 1-2.

Từ ngày 11-15/4, xâm nhập mặn duy trì ở mức cao trong 1, 2 ngày đầu, sau giảm dần.

Trong đợt mặn cao điểm từ 8-13/4, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo các địa phương chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.

Dự báo đến tháng 5, khả năng mặn trên ĐBSCL được cải thiện nhiều, nhưng vẫn đề phòng một số trường hợp bất thường do mưa muộn, dòng chảy thượng lưu về đồng bằng thấp.

Với tình hình nguồn nước sắp tới, các địa phương cần tiếp tục chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn với trường hợp ở năm hạn mặn lịch sử.

>>> Xem thêm: Xâm nhập mặn Đồng bằng sông Cửu Long có thể tăng trong tuần tới

Theo đó, ở vùng thượng ĐBSCL, nguồn nước đến hiện tại được xem là có khó khăn do đầu nước thấp, cần chủ động điều tiết nước và bơm tát, các giải pháp cấp nước cho các vùng núi cao thuộc Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang).

Ngọc Linh (t/h)

Ngọc Linh (t/h)