Cà Mau: Hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại do hạn mặn
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:01, 09/04/2020
Trên thực tế, chỉ sau ít tháng bước vào mùa khô, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại Cà Mau đã diễn ra khốc liệt. Hiện, các kênh, rạch tại vùng ngọt hóa đã trơ đáy, kéo theo đó là nhiều hệ lụy. Hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Nhiều diện tích lúa của người dân bị thiệt hại. Hàng ngàn ha hoa màu đối diện với nguy cơ mất trắng vì thiếu nước tưới… Không dừng lại ở đó, nguy cơ cháy rừng, tình trạng sụt lở đất ven sông diễn ra trên diện rộng đã phá hủy hoặc đe dọa nhiều cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, nhà ở của người dân.
Cà Mau là tỉnh cực Nam Tổ quốc, đồng thời là địa phương duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long không thể tiếp cận nguồn nước ngọt từ sông Hậu. Do đó, tập quán sản xuất nông nghiệp của người dân lâu nay vẫn phụ thuộc vào nguồn nước được tích trữ trong mùa mưa. Do đó, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt như hiện nay, hạn mặn sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho Cà Mau trên các lĩnh vực.
Theo số liệu rà soát thống kê mới nhất, toàn tỉnh có hơn 20.500ha lúa và rau màu bị thiệt hại do hạn mặn; trong đó, có gần 6.850ha lúa bị thiệt hại từ 30-70%, hơn 13.600ha lúa thiệt hại từ 70% trở lên.
Cùng với đó, tỉnh hiện có hơn 20.850 hộ dân thiếu nước sinh hoạt do hạn hán diễn ra trên diện rộng.
Tình hình khô hạn kéo dài cũng được xem là nguyên nhân khiến nhiều tuyến đường giao thông, đê biển ở Cà Mau bị sụp lún nghiêm trọng. Toàn tỉnh có trên 1.130 điểm sụp lún, sạt lở đường giao thông với chiều dài hơn 24.700m, đê biển Tây bị sụp lún chiều dài 240m với độ sâu từ 0,08 đến 3m.
Theo dự báo của cơ quan chức năng, hiện nay, độ mặn tiếp tục tăng cao trên các kênh, rạch nằm sâu trong nội đồng. Cụ thể, tại trạm Cà Mau độ mặn cao nhất 32,2‰, tại trạm Sông Đốc độ mặn cao nhất 38,8‰.
Mực nước nội đồng hạ thấp nhanh gây ra hiện tượng xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng và nhiễm mặn ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, làm tăng nguy cơ cháy rừng, nhiều diện tích rau màu và các trà lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để chủ động sản xuất, nuôi trồng thủy sản trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ủy ban nhân dân các huyện tiến hành rà soát, đề xuất giải pháp khắc phục sự cố rò rỉ, xói đáy mật số cống ngăn mặn; chú trọng thiết kế cống ngăn mặn đảm bảo tính hiệu quả ổn định lâu dài đối với các cống đầu mối vùng ngọt hóa.
Cùng với đó, cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức đo đạc, giám sát độ mặn tại các cửa lấy nước, để khuyến cáo người dân thực hiện lấy nước phù hợp, tuyệt đối không lấy nước có độ mặn cao hơn mức cho phép.
Trong thời gian xâm nhập mặn giảm, người dân cần tranh thủ lấy nước để phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản. Riêng các vùng canh tác lúa đã thu hoạch cần lấy nước để tiến hành rửa mặn, chuẩn bị cho gieo cấy vụ Hè Thu khi có nguồn nước ngọt về ổn định. Thời vụ gieo cấy lúa Hè Thu cần căn cứ cụ thể tình hình nguồn nước, chỉ thực hiện khi có nguồn nước ngọt ổn định.
Ngọc Linh (t/h)