Miền Tây đón “mưa vàng” giải nhiệt sau bao ngày nắng hạn
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:37, 13/04/2020
Tại TP Cần Thơ vào khoảng 8h45 ngày 13/4, mưa lớn trút xuống kéo dài cả tiếng đồng hồ, được người dân Tây Đô phấn khởi chào đón, xem như một trận “mưa vàng” giải nhiệt sau nhiều tháng nắng nóng, oi bức tới đỉnh điểm.
Sáng cùng ngày, tại Bến Tre, mưa xuất hiện rải rác tại một số xã của huyện giáp biển Thạnh Phú. Sau đó, mưa lan rộng ra hầu hết tỉnh Bến Tre. Trận mưa có cường độ khá lớn, kéo dài chừng hơn 30 phút đã giúp cho vùng Bến Tre phần nào “giải nhiệt”, giảm mặn sau thời gian dài nắng nóng, hạn mặn khốc liệt.
Đoạn ngã 4 Nguyễn Văn Linh với đường 3/2 của TP Cần Thơ ngập úng cục bộ sau cơn mưa sáng 13/4.
Ở nhiều địa phương Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng… mưa nặng hạt tương tự cũng đổ xuống.
Nam Bộ đang trong thời kỳ khô hạn, xâm nhập mặn, nên mưa trái mùa lượng lớn sẽ giúp được phần nào “giải khát” cho khu vực. Tuy nhiên, mưa có thể ảnh hưởng đến các loại cây trồng trong thời kỳ đang ra hoa, đậu trái, thậm chí có thể cuốn theo chất ô nhiễm vào nguồn nước khiến việc canh tác thủy, hải sản bị ảnh hưởng.
Theo Viện khoa học thủy lợi miền Nam, có mưa nhưng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang trong đợt cao điểm hạn mặn nghiêm trọng. Từ ngày 8 đến 15/4, trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, ranh mặn 4 phần nghìn vào sâu 95-105 km; trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 50-55 km; sông Hàm Luông 70-75 km; sông Cổ Chiên 50-55 km; sông Hậu, sông Cái Lớn 45-65km.
Đến nay, hạn mặn kéo dài gần sáu tháng gây thiệt hại 43.000 ha lúa, trong đó nặng nhất là Trà Vinh gần 20.000 ha, Sóc Trăng trên 5.700 ha, Long An trên 5.300 ha, Kiên Giang gần 5.000 ha… Ngoài ra, hàng nghìn ha vườn cây ăn trái cũng bị thiệt hại. Khoảng 80.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt, chủ yếu ở Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Long An, Trà Vinh.
Hồng Anh (t/h)