Xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 5 vẫn ở mức cao
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:30, 06/05/2020
Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, từ ngày 6-10/5, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần và đạt mức cao nhất vào cuối tuần. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở cấp độ 1-2.
Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 1-5/5, có xu hướng giảm dần. Riêng một số trạm ở Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau, độ mặn ở mức cao hơn tuần từ 26-30/4.
Trong những ngày tới, từ 6-10/5, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khả năng có mưa dông rải rác về chiều tối trong thời đoạn ngắn. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Tuy nhiên, mưa phân bố không đều, tổng lượng mưa từ 20-40mm, có nơi trên 70mm. Nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 33-37 độ C, sau có xu hướng giảm.
Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong biến đổi chậm và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,2-1m.
Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này tại các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, có phạm vi xâm nhập mặn 90-135km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 55-70km; sông Hàm Luông 65-85km; sông Hậu, Cổ Chiên 45-50km; sông Cái Lớn 55-60km.
Theo đó, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu sẽ lên theo thủy triều. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,30m; tại Châu Đốc 1,45m, cao hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 0,15-0,2m.
Tương tự, chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này tại các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 80-125km; phạm vi xâm nhập mặn tại các sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 50-55km; sông Hàm Luông 60-75km; sông Cổ Chiên, sông Hậu 35-40km; sông Cái Lớn 45-55km.
Do đó, cần đề phòng trường hợp cực đoan hạn hán, xâm xâm nhập mặn có thể kéo dài hơn.
Hiện nay, nguồn nước mặt của nước ta có khoảng 2/3 từ các sông biên giới chảy vào. Chính vì thế, cần theo dõi chặt chẽ tình hình xả nước của các hồ chứa thủy điện trên dòng chính sông Mekong từ phía Trung Quốc và các hồ chứa trên các dòng nhánh để có giải pháp xử lý kịp thời bổ sung nguồn nước đẩy mặn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước ngọt.
Ở khu vực thượng nguồn sông Mekong đang có dấu hiệu chuyển mùa, đã có một số khu vực có mưa. Tuy nhiên, theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn thì dòng chảy trên sông Mekong về ĐBSCL trong tháng 5/2020 vẫn tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, nên khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều.
Vì thế, trong đợt mặn tiếp theo, từ ngày 8-15/5, các địa phương hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.
Ngọc Linh (t/h)