Bạc Liêu: Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 04:00, 15/05/2020
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, do ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn nên khu vực cuối nguồn nước ngọt của địa phương này, diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại chỉ chiếm hơn 300 ha/ tổng diện tích sản xuất vụ đông xuân của tỉnh là hơn 47.500 ha. Diện tích lúa bị thiệt hại chủ yếu nằm ở địa bàn TX.Giá Rai và phần lớn là diện tích do nông dân không tuân thủ các khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Riêng diện tích vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A được đảm bảo, do Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã tập trung làm tốt công tác chỉ đạo, vận hành hệ thống thủy lợi và điều tiết nước, đặc biệt là vận hành tốt Âu thuyền Ninh Quới.
Thời gian qua, cùng với các giải pháp chủ động ứng phó và hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng một giải pháp mang tính chiến lược lâu dài trong phòng chống hạn mặn, đó là việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng linh hoạt và chủ động thích ứng. Để chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng nhiều mô hình ứng phó với hạn, mặn. Đồng thời, không ngừng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Năm 2018, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Không chỉ có quy hoạch, để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng, tỉnh Bạc Liêu cũng đưa ra các giải pháp khác về công trình và phi công trình như thay đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng và vật nuôi, nâng cao ý thức của người nông dân trong tuân thủ lịch thời vụ và thực hiện tốt các khuyến cáo, cảnh báo của ngành nông nghiệp… Các ngành chức năng và các địa phương thực hiện rà soát, đầu tư, gia cố lại hệ thống cống đập bị rò rỉ, đắp đập ngăn mặn giữ nước ngọt. Phân công cán bộ bám sát ruộng đồng để kịp thời phát hiện xử lý các tác động bất lợi do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.
Bên cạnh đó, ngành chức năng của tỉnh Bạc Liêu còn thành lập tổ quan trắc diễn biến nguồn nước, đo độ mặn thường xuyên, đặc biệt theo dõi độ mặn ở những khu vực có nguy cơ nhiễm mặn cao. Tiếp tục tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất… Ngành nông nghiệp, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân gieo cấy đúng lịch thời vụ, nằm trong quy hoạch.
Đối với vùng ngọt, Bạc Liêu đã tiến hành đắp hàng chục đập tạm tại các huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai để ngăn mặn, giữ ngọt cho diện tích lúa đông xuân, lúa – tôm, đồng thời tập trung phát động phong trào làm thủy lợi – thủy nông nội đồng mùa khô. Khuyến cáo nhà nông chủ động dẫn nước, dự trữ vào ao hồ, đầu tư máy, thiết bị bơm nước phục vụ tưới tiêu. Đối với vùng chuyên tôm, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nạo vét kênh thủy lợi – thủy nông nội đồng bị bồi lắng, khai thông dòng chảy, nhằm đảm bảo dẫn nguồn nước thông suốt từ các cửa biển, cửa sông đến kênh rạch, ao đầm nuôi trồng thủy sản.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, về giải pháp lâu dài, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực phù hợp với thị trường, cùng với đó là khai thác các cơ chế, chính sách phục vụ phát triển sản xuất. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác để liên kết hộ, liên kết chuỗi sản xuất với doanh nghiệp. Gắn tái cơ cấu ngành nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Theo kịch bản biến đổi khí hậu của tỉnh Bạc Liêu dự đoán đến năm 2050, nếu mực nước biển tăng từ 22cm đến 30cm thì Bạc Liêu có hơn 180.110 ha bị ngập, chiếm 69,4% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó, nếu lấy ngưỡng mặn 4%0 thì toàn tỉnh sẽ có gần 75% diện tích tự nhiên bị ảnh hưởng xâm nhập măn.
Chính vì vậy, để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, Bạc Liêu sẽ hóa giải các nguy cơ ấy trở thành thời cơ và đây là nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững. Để cụ thể hóa quan điểm và tư duy đổi mới này, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch “Phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm – lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”.
Theo đó, Bạc Liêu đề ra mục tiêu xây dựng, hình thành và lan tỏa mô hình sản xuất tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm – lúa, sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ môi trường, an sinh xã hội và lợi ích kinh tế. Góp phần phát triển ngành tôm Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước, sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm, lúa Bạc Liêu, xứng đáng là hai sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bạc Liêu có diện tích tôm – lúa đạt 41.000 ha, năng suất 0,5 tấn/ha/năm, sản lượng phấn đấu đạt 20.500 tấn; đối với lúa, năng suất đạt 4,64 tấn/ha, sản lượng phấn đấu 190.240 tấn. Qua đó, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn vùng phía Bắc Quốc lộ 1A đạt 400 triệu USD vào năm 2020 và đạt 500 triệu USD vào năm 2025, chiếm 50% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Theo Đảng Cộng Sản