Hà Nội chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:02, 23/05/2020
Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy về công tác bảo vệ môi trường và quản lý đất đai trên địa bàn thành phố.
Theo đó, trước nhu cầu cấp bách, từ năm 2015 đến nay, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã ban hành 01 chương trình, 02 nghị quyết, 08 kế hoạch, 10 quyết định, 02 đề án và 02 chỉ thị về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Kết quả triển khai thực hiện, bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là: Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt (ngoại thành 89%, nội thành 100%), chất thải y tế (đạt 100%); đã thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường nước 90 hồ tại khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành.
Cùng đó, thành phố đã xây dựng 08 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất khoảng 296.700 m3/ngày đêm đáp ứng được khoảng 30% tổng lưu lượng nước thải phát sinh; 100% khu công nghiệp, 60,5% cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung; 100% các bệnh viện tư nhân có hệ thống xử lý nước thải…
Để cải thiện môi trường thủ đô, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, có tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải…
Hà Nội cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, xử lý xe chở vật liệu xây dựng cho các công trình; phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân.
Dù vậy, thành phố Hà Nội cũng nhìn nhận, việc triển khai các chương trình nhiệm vụ thuộc Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 còn chậm. Đặc biệt, hiện chưa có đủ cơ chế, chính sách, quy định về kiểm soát khí thải dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại địa phương.
Giải thích về các nguồn gây ô nhiễm không khí chính của Thủ đô hiện nay, UBND thành phố Hà Nội cho biết, nguyên nhân gây ô nhiễm được xác định từ 12 nguồn, bao gồm: Khí xả thải từ các phương tiện ô tô, xe máy; phá dỡ các công trình xây dựng, xây dựng các công trình; vận chuyển vật liệu xây dựng; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn và một số tỉnh lân cận; do tác động của khí hậu, thời tiết chuyển mùa và còn do nguyên nhân từ đốt rơm rạ, rác, đun bếp than tổ ong.
Trước thực trạng đó, Hà Nội kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường đảm bảo đồng bộ với các Luật như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng… và ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành nhằm khắc phục các tồn tại, vướng mắc.
Ngọc Linh (t/h)