Cà Mau: Chi gần 100 tỷ đồng xử lý khẩn cấp tình trạng sụt lún đê biển Tây
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:30, 29/05/2020
Theo đánh giá sơ bộ bước đầu về thiệt hại do hạn hán 2019 – 2020 gây ra, Cà Mau cần khoảng 300 tỷ đồng để xử lý những sự cố, chủ yếu là khắc phục tình trạng sụt lún tại các tuyến đường, đặc biệt tại các vị trí trên tuyến đường ôtô về trung tâm các xã, các trục lộ huyết mạch, các tuyến giao thông nông thôn bằng bê tông…
Đây là nguồn kinh phí kiến nghị cần được hỗ trợ xử lý mang tính cấp bách nằm trong gói và địa phương kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 1.690 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp thiệt hại do thiên tai, hạn hán gây ra.
Công trình xử lý sụt lún đê biển Tây (đoạn Đá Bạc – Kênh Mới) có chiều dài 4,3km được thực hiện theo hình thức bơm bùn, cát nhằm tạo phản áp trong đê gắn với tạo mặt bằng xây dựng khi tái định cư xen ghép Đá Bạc. Công trình được thực hiện theo cơ chế khẩn cấp với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng. Tổng khối lượng bùn và cát đã bơm đến thời điểm hiện nay vào khoảng trên 76.000m3 với chiều dài tuyến kinh được lấp hơn 3,3 km.
Cà Mau tập trung thực hiện các giải pháp công trình trên tuyến đê biển Tây trước khi mùa mưa đến.
Còn đối với sạt lở chân đê biển Tây dài 7,5 km từ Kênh Mới (xã Khánh Bình Tây, Trần Văn Thời, Cà Mau) đến Tiểu Dừa (Khánh Tiến, U Minh, Cà Mau), tỉnh tiến hành kè theo phương thức rọ đá với nhiều giải pháp kỹ thuật khác nhau có tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng. Đối với 03 vị trí sụt lún mặt đê có chiều dài 240m đoạn Đá Bạc – Kênh Mới, nguồn kinh phí khắc phục sự cố này dự kiến khoảng 3 tỷ đồng.
Theo thông tin từ ngành chức năng, 80% chiều dài bờ biển Cà Mau từ Đông sang Tây (254 km) bị sạt lở với tốc độ từ 20 – 25 m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50 m/năm. Con số thống kê 10 năm qua, Cà Mau đã mất đi gần 9.000 ha đất rừng.
Trên tuyến đê biển Tây (dài 154 km) thì cũng đã có đến 57 km sạt lở cực kỳ nghiêm trọng. Hiện đai rừng phòng hộ chỉ còn vài chục mét, thậm chí có rất nhiều nơi không còn đai rừng phòng hộ, sóng biển uy hiếp trực tiếp lên thân đê, có thể làm vỡ đê bất cứ lúc nào.
Tình hình sạt lở đất ven sông, ven biển, sụt lún đường giao thông trên địa bàn tỉnh nói chung, đê biển Tây nói riêng diễn ra ngày càng nhanh và phức tạp, nhưng nguồn kinh phí thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục còn hạn chế nên chưa thể xử lý triệt để, đồng bộ, dẫn đến tiếp tục mất đất, mất rừng, thiệt hại tài sản và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Vì vậy, trong hàng loạt vấn đề mà tỉnh Cà Mau kiến nghị, đề xuất cần có sự quan tâm đặc biệt của Chính Phủ, các cơ quan TW hỗ trợ, giúp địa phương ngăn chặn thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu, ngoài kịp thời hỗ trợ nguồn lực đủ mạnh để thực hiện các giải pháp công trình, cần nghiên cứu, bổ sung đầy đủ các nguyên nhân khác (ngoài mưa, lũ, dòng chảy) dẫn đến sạt lở, sụt lún đất vào Luật Phòng chống thiên tai, như hạn hán, thiếu nước…, làm cơ sở để kịp thời thực hiện các công trình, phần việc ứng phó, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại, khôi phục sản xuất.
Sớm xây dựng quy hoạch ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó định hướng cho các tỉnh xây dựng quy hoạch cấp tỉnh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó cần khẳng định phạm vi tác động của hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé (Kiên Giang); khả năng cung cấp nước ngọt của hệ thống này cho các tỉnh vùng ven biển, trong đó có Cà Mau./.
Minh Anh (T/h)