Mùa hè năm nay sẽ xuất hiện đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:00, 27/05/2020
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 26/5: Mùa mưa bão năm 2020 có khả năng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (khoảng 12-13 cơn). Trong đó bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta ở mức thấp hơn.
Cụ thể, tại khu vục Đồng bằng Bắc bộ, trong đó có TP.Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp khoảng 1 – 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Thời gian ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới chủ yếu tập trung vào tháng 7, 8 và 9.
Ông Sơn cũng cho biết, nhiệt độ trung bình mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2020 ở mức 28 – 29°C, cao hơn trung bình nhiều năm.
Bên cạnh đó sẽ có khoảng 8 – 10 đợt nắng nóng (từ 2 ngày trở lên). Nắng nóng chủ yếu tập trung từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 7. Toàn mùa có 1 – 2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ cao nhất ở mức 39 – 41°C.
Ngoài ra, lượng mưa trong mùa mưa, lũ năm 2020 (từ thảng 5 đến tháng 10) sẽ có khoảng 5-7 đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Tổng lượng mưa toàn mùa từ tháng 5-10.2020 vào khoảng 1.300 – 1.600mm, ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm (1.346,6 – 1.483,9mm).
Nói về tình hình thủy văn, ông Sơn cho rằng mùa lũ năm 2020 có khả năng xuất hiện phù hợp với quy luật nhiều năm.
Trong toàn mùa xuất hiện 35 đợt lũ trung bình và nhỏ, trong đó có khả năng xuất hiện 1 – 2 đợt lũ lớn trên sông Đáy và các sông nội tỉnh. Đỉnh lũ năm các sông phổ biến thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm (sông Đáy cao hơn) cao hơn đỉnh lũ năm 2019.
Mực nước đỉnh lũ năm trên sông Đà, sông Hồng, sông Đuống dưới mức báo động 1; sông Đáy từ báo động 1 đến báo động 2; các sông nội tỉnh (sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ, sông Cà Lồ,…) từ báo động 2 đến báo động 3. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ từ cuối tháng 7, tháng 8 hoặc tháng 9.
“Nhìn chung tình hình thời tiết thủy văn năm 2020 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp khó lường; đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, năng nóng gay gắt, bão mạnh… ảnh huởng đến sinh hoạt và đời sống của nhân dân” – ông Sơn nói.
Ảnh minh hoạ: Minh Thành
Thực tế ở Việt Nam cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường, như mưa to kèm giông, lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh phía bắc, vào các thời điểm rất hiếm khi, thậm chí chưa từng xảy ra.
Ở các tỉnh phía nam cũng xuất hiện nhiều hiện tượng thiên tai bất thường, cá biệt, cuối tháng 4 vừa qua, một số khu vực tại quận 12, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra hiện tượng mưa đá. Mùa khô năm nay tại TP Hồ Chí Minh cũng kéo dài quá lâu, tới sáu tháng, trong khi trung bình mọi năm chỉ kéo dài năm tháng. Mùa mưa đến trễ, cùng với việc lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mê Công rất ít khiến nhiều tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ rơi vào tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Điều này đã thể hiện tính chất phức tạp của thiên tai khí tượng thủy văn.
Theo TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, nguyên nhân của những biến động bất thường này là do tác động của BĐKH, tính bất ổn định của các hệ thống hoàn lưu khí quyển diễn ra ở cả quy mô toàn cầu và khu vực. Chính điều này gây ra những hiện tượng thiên tai có diễn biến bất thường, không chỉ xảy ra trong mùa mưa bão mà còn diễn ra quanh năm, cả trong những tháng được xem là hiếm có thiên tai như trước đây.
Về lâu dài, theo chuyên gia KTTV Lê Thị Xuân Lan phân tích, thời gian qua, khi dịch Covid-19 hoành hành, nhịp sống trên toàn thế giới chậm lại, xe cộ di chuyển ít hơn, nhiên liệu sử dụng ít hơn… bầu khí quyển lập tức được cải thiện rõ rệt. Nói vậy để thấy chúng ta chưa thể ngăn chặn nhưng có thể làm giảm hoặc tăng chậm quá trình BĐKH bằng cách giảm phát thải khí CO2, giảm hiệu ứng nhà kính. Chỉ có cách làm chậm lại, giảm bớt các tác động tiêu cực lên bầu khí quyển thì con người mới có thể từ từ thích ứng được với BĐKH.
Thanh Hương