Đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống ảnh hưởng ngập lũ nội đồng

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 06:33, 02/06/2020

Moitruong.net.vn – Chiều 1/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện các giải pháp phòng, chống ảnh hưởng của ngập lũ nội đồng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, để chủ động tổ chức sản xuất nông nghiệp vụ thu đông năm 2020 an toàn và hiệu quả, giảm thiệt hại do lũ gây ra, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trong khu vực chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, xác định cụ thể các đê bao, bờ bao yếu, có nguy cơ xảy sự cố trong mùa lũ; bố trí kinh phí, thực hiện việc gia cố để bảo đảm an toàn chống lũ, nhất là đối với các vùng tập trung dân cư và vùng sản xuất trọng điểm; hướng dẫn người dân sản xuất nông nghiệp vụ thu đông phù hợp nguồn nước, tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chức năng, bảo đảm tận dụng tốt lợi thế do lũ mang lại; theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo lũ sông Cửu Long và ngập lũ nội đồng để tổ chức sản xuất…

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp nóng phía tây tiếp tục phát triển mạnh và mở rộng về phía đông nam kết hợp với hiệu ứng phơn nên ngày 2-6, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 đến 380C, có nơi hơn 380C. Nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.

Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các cơ quan khoa học thuộc Bộ NNPTNT, đỉnh lũ năm 2020 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ1-BĐ2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, một số vùng trong khu vực có đê bao, bờ bao yếu, có thể không đảm bảo an toàn đối với sản xuất và dân sinh, cần đề phòng xảy ra sự cố khi lũ lên nhanh bất thường do hoạt động điều tiết dòng chảy ở thượng nguồn và lũ kết hợp triều cường.

Bên trong đập Trà Sư (huyện Tịnh Biên, An Giang)

Sở NN và PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, đến nay, xâm nhập mặn gây thiệt hại cho 1.041 ha cây trồng, trong đó diện tích lúa là 299 ha; 26.269 hộ dân chưa có nước máy sử dụng, 89.743 hộ dân phải sử dụng nguồn nước nhiễm mặn…, ước thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống thiên tai nhằm giảm thiệt hại cho sản xuất, dân sinh.

Theo Sở NN và PTNT Quảng Nam, vụ hè thu năm 2020 toàn tỉnh sẽ sản xuất 42.000 ha lúa. Nếu trong thời gian tới không có mưa bổ sung, mặn xâm nhập sâu, thì diện tích lúa cần chống hạn, xâm nhập mặn khoảng 9.000 đến 10.000 ha.

Phòng NN và PTNT huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) cho biết, hiện toàn huyện có gần 59 ha diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn, nặng nhất là xã Phước Minh, với 31,7 ha mãng cầu, 2,25 ha cỏ voi và 0,3 ha ớt… Hiện, ngành nông nghiệp huyện khuyến khích nông dân tiếp tục triển khai, áp dụng các mô hình sản xuất phù hợp điều kiện hạn như: Mô hình tưới nước tiết kiệm, mô hình xen canh, luân canh có hiệu quả…

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Ea H’leo (Đắk Lắk), hiện huyện có 41 hồ đập, trong đó có sáu hồ cạn trơ đáy, các hồ còn lại lượng nước chỉ đạt dưới 40% dung tích thiết kế. Toàn huyện hiện có hơn 100 ha cây trồng bị hạn.

Thông tin từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, hiện địa bàn có 625 hồ chứa, trong đó có 528 hồ chứa do các địa phương huyện, xã quản lý với mực nước chỉ đạt từ 20 đến 30%, nhiều hồ cạn kiệt nước, dẫn đến nguy cơ thiếu nước cho vụ sản xuất hè thu.

Sau thời gian mưa nhiều, hiện độ mặn ở các sông chính tại tỉnh Bến Tre như sông Cửa Đại, sông Hàm Luông đã giảm. Nông dân bắt đầu khôi phục sản xuất. Ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương thống kê số lượng cây trồng, vật nuôi bị tác động, ảnh hưởng của hạn mặn, cử cán bộ kỹ thuật đến hỗ trợ, xây dựng kế hoạch khắc phục.

* Ngày 1-6, Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, nắng nóng, khô hạn diễn ra trên diện rộng và kéo dài đã gây ra cháy rừng tại hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Tính đến cuối tháng 5, toàn tỉnh xảy ra bảy vụ cháy rừng, gây thiệt hại gần 10 ha rừng trồng các loại, ước thiệt hại khoảng một tỷ đồng. Sở NN và PTNT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành liên quan tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Phương Nhy (T/h)

Phương Nhy (T/h)