Nỗ lực đến năm 2025 giảm 30% thiệt hại do thiên tai
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 02:30, 16/06/2020
Theo số liệu tổng kết thiên tai ở Nam Bộ được đưa ra tại Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền Nam năm 2020. Những tháng đầu năm 2020, ĐBSCL lại đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt, vượt lịch sử năm 2016 cả về thời gian và mức độ. Đợt hạn mặn này đã khiến hơn 50.000 ha lúa thiệt hại, 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới sẽ hoạt động trên Biển Đông từ nay đến cuối năm. Trong số đó, 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Mưa bão năm nay tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam trong những tháng nửa cuối năm 2020. Lũ tại ĐBSCL đến muộn và ở mức báo động 1, báo động 2.
Hội nghị đã thảo luận, phân tích các kết quả và hạn chế của công tác phòng, chống thiên tai năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, đồng thời đề ra các giải pháp thiết thực, chủ động ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra trong thời gian tới.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015 – 2020; 100% lực lượng làm công tác PCTT được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng PCTT…
Ảnh minh họa
Tại hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền Nam năm 2020, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tập trung kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các cấp theo quy định; củng cố, nâng cao năng lực cơ quan tham mưu các cấp; rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, nhất là phương án ứng phó với bão mạnh, lũ lớn. Đồng thời, rà soát, củng cố, hoàn thành việc triển khai xây dựng và hoạt động lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở.
Cùng với đó, tăng cường lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát, cảnh báo thiên tai; quản lý, giám sát chặt chẽ tổ chức vận hành các hồ chứa theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ trong nâng cao chất lượng công tác dự báo; quản lý khai thác nước ngầm, có giải pháp hạn chế sụt lún đất.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định bố trí vốn. Củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, cầu, cống, đập ngăn mặn, đê bao chống ngập và kênh trục thủy lợi ở đồng bằng sông Cửu Long; xác định các trọng điểm để sẵn sàng ứng phó khi tình huống xảy ra, triển khai các biện pháp chủ động bảo vệ và xử lý ngay từ đầu.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng yêu cầu các địa phương tăng cường lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát, cảnh báo thiên tai; đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát với các tàu cá có chiều dài trên 15 m phục vụ thông tin, chỉ đạo điều hành trong mùa mưa bão.
Mai An (t/h)