1/3 thế giới sẽ phải sống chung với cái nóng khắc nghiệt như sa mạc Sahara?
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 03:01, 22/06/2020
Theo một mô hình khí hậu do các nhà khoa học công bố mới đây, khoảng 1/3 diện tích Trái Đất có thể nóng như sa mạc Sahara vào năm 2070 do tác động của biến đổi khí hậu.
Hiện nay chỉ có khoảng 0,8% bề mặt địa cầu có thời tiết khắc nghiệt như sa mạc Sahara. Nhưng dự đoán tới năm 2070, diện tích chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao như sa mạc Sahara sẽ lên tới 19% nếu khí thải nhà kính không được kiểm soát.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ sử dụng RCP8.5, một kịch bản mô tả mức phát thải carbon ở mức cực đoan nhất nhằm mô hình hóa những gì có thể xảy ra vào cuối thế kỷ này, cho thấy, các khu vực có nhiệt độ tương tự như sa mạc Sahara chiếm tới 20% diện tích Trái đất, cũng là nơi sinh sống của khoảng 3 tỷ người. Và nếu không di cư tới khu vực khác, họ sẽ phải tiếp tục chung sống với nền nhiệt độ cao như sa mạc Sahara trong tương lai.
Vẫn có những yếu tố khác ảnh hưởng đến sự phát triển của con người nhưng trên hết, nhiệt độ vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu tác động tới sự tồn vong và phát triển của nhân loại. Đặc biệt, mức nhiệt độ tăng đột biến trong 50 năm nữa sẽ trở nên khắc nghiệt hơn nhiều những gì mà con người đã từng trải qua suốt 6.000 năm trước.
Cảnh báo trên sẽ buộc chúng ta phải thay đổi nếu không muốn nhận lấy hậu quả “đắng” nhất. Nếu con người vẫn tiếp tục thải CO2 mà không có lộ trình cắt giảm mạnh mẽ, làn sóng di cư vào năm 2070 là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Một khi khí hậu vượt ngưỡng chịu đựng của con người, đó cũng là lúc quá trình chọn lọc tự nhiên bắt đầu và con người là những sinh vật trải qua quá trình đó. Tất nhiên, mục tiêu hàng đầu hiện nay là cắt giảm khí thải nhà kính và quan trọng không kém là cần chuẩn bị từ sớm các kịch bản di cư do biến đổi khí hậu trong tương lai để tránh xảy ra biến động lớn.
Nhóm nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu lịch sử từ khoảng 6.000 năm trước để khám phá những điều kiện khí hậu mà con người đã trải qua. Nền văn minh nhân loại thích nghi rất tốt với những mảnh đất màu mỡ có sự nuôi dưỡng của nước từ các con sông. Nhưng hiếm khi chúng ta thấy các nền văn minh xuất hiện ở những nơi khô hạn và quá nóng như ở sa mạc.
Đại đa số nhân loại đều sống trong vùng có nhiệt độ trung bình hàng năm từ khoảng 6 độ C – 28 độ C. Trong đó phần lớn khu vực có nhiệt độ từ 11-15 độ C và một số lượng nhỏ sống trong khu vực từ 20-25 độ C trở lên.
Nhân loại đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ, nhất là khi chúng ta đang sống trên đất liền, bề mặt dễ hấp thụ nhiệt hơn so với đại dương. Sức ép ngày càng khủng khiếp hơn khi tình trạng gia tăng dân số chủ yếu tập trung ở các quốc gia vốn đã phải đối mặt với cái nóng triền miên như Châu Phi và Châu Á. Do yếu tố nhân khẩu học, con người sẽ phải trải qua mức nhiệt độ trung bình tăng 7,5 độ C nếu nhiệt độ toàn cầu đạt ngưỡng 3 độ C vào cuối thế kỷ này như dự báo.
Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, con người chỉ có thể tiến hóa và phát triển trong một dải nhiệt độ hẹp. Trong đó, nhiệt độ trung bình hằng năm dao động từ 11-15°C. Nếu con người được sinh sống ở khu vực có nền nhiệt độ ổn định, ít biến động, năng suất trồng trọt và chăn nuôi sẽ tốt hơn rất nhiều so với khu vực có biến động nhiệt lớn, nóng bức quanh năm. Tác động nền nhiệt độ cao cũng đang lan ra cả miền Nam nước Mỹ, vùng Địa Trung Hải. Lúc này, chỉ còn một phần diện tích ở các vùng xa xích đạo, gần Bắc Cực và Nam Cực trở thành nơi có thể sinh tồn.
Ngọc Linh (t/h)