Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với nắng hạn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 05:34, 25/07/2020

Moitruong.net.vn – Nhằm ứng phó với tình hình khô hạn, thiếu nước ngọt trong mùa khô hiện nay, ngành nông nghiệp các địa phương đã khuyến cáo, vận động, hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, canh tác, sử dụng các loại cây trồng có khả năng chịu hạn tốt.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất hạn

Theo báo cáo của Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Bắc Trung bộ, từ đầu năm đến nay, các tỉnh Bắc Trung bộ chịu ảnh hưởng của 7 đợt nắng nóng. Riêng tháng 5/2020, chịu ảnh hưởng của 5 đợt nắng nóng diện rộng, trong đó, đợt từ 16/6 đến nay vẫn đang còn tiếp diễn. Do thiếu nguồn nước, toàn vùng hiện có khoảng 8.200 ha đang phải điều chỉnh giãn, dừng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ngoài ra, diện tích đang bị hạn hán, thiếu nước trong khu vực là 23.870 ha, tập trung chủ yếu ở các các tỉnh: Thanh Hóa 9.000 ha, Nghệ An 8.900 ha, Hà Tĩnh 990 ha, Quảng Bình 840 ha, Quảng Trị 4.140 ha.

Tuy nhiên, theo Cục Trồng trọt, vụ Mùa 2020, các địa phương đã chủ động rà soát diện tích có nguy cơ thiếu nước để chuyển đối sang cây trồng cạn như: rau, màu, dược liệu, cây ăn quả… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến nay, các tỉnh Bắc Trung bộ đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi trong vụ Hè Thu, Mùa khoảng 5.319 ha.

Mô hình chuyển đổi sang trồng dưa hấu trên diện tích lúa thiếu nước tại thôn Lễ Môn, xã Phong Bình, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. (Nguồn ảnh: quangtritv.vn)

Trong đó, tỉnh Thanh Hóa chuyển đổi gần 3 nghìn ha lúa sang trồng ngô, rau màu các loại… Tỉnh Nghệ An, vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2020 có kế hoạch chuyển đổi khoảng 1.740 ha, chủ yếu chuyển đổi sang trồng ngô, mía, hành tăm, cỏ chăn nuôi, rau các loại. Tại Nam Anh, huyện Nam Đàn đã có hơn 40 ha chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau màu (rau ăn lá, mướp, cà…) mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 7-10 lần so với trồng lúa.

Tại Quảng Trị, địa phương đã chuyển đổi được gần 200 ha từ đất lúa sang trồng cây trồng cạn, đặc biệt tại huyện Gio Linh đã tập trung chuyển đổi trên 45 ha đất lúa thiếu nước sang trồng dưa hấu đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong vòng 60 ngày, sau khi trừ chi phí, bà con lãi trung bình 4-6 triệu đồng/sào (100-120 triệu đồng/ha) gấp 8-10 lần so với trồng lúa.

Tại Quảng Bình, đã chuyển đổi khoảng 134 ha đất trồng lúa sang trồng dưa hấu, ngô, khoai lang và rau các loại, hiệu quả cây trồng chuyển đổi cao hơn so với trồng lúa từ 5-10 lần.

Với tỉnh Thừa Thiên – Huế, tỉnh chuyển đổi được khoảng 245 ha ở các vùng miền núi, bãi ven biển, vùng thiếu nước sang trồng ngô, lạc, rau, hoa và nuôi trồng thủy sản,… Một số mô hình chuyển đổi hiệu quả như: Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen cho thu nhập từ 100-110 triệu đồng/ha, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa; chuyển đổi sang trồng dưa hấu mang lại thu nhập từ 96-200 triệu đồng/ha, cao gấp 2-5 lần so với trồng lúa.

Biến “nguy cơ” thành “thời cơ”

Đánh giá của Cục Trồng trọt cho thấy, các tỉnh vùng Bắc Trung bộ có điều kiện thời tiết, khí hậu đặc thù, nóng nắng, diễn biến rất bất thường, đối với Vụ Hè Thu, Mùa hạn hán đầu vụ, cuối vụ lại có nguy cơ bị úng ngập do mưa, lũ. Do vậy, phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng hàng hóa cần thích ứng với thay đổi của điều kiện tự nhiên và thị trường, biến “nguy cơ” thành “thời cơ”. Phát triển trồng trọt khu vực Bắc Trung bộ theo hướng vùng sản xuất lúa an toàn, vùng chuyển đổi và vùng chuyển đổi linh hoạt.

Với vùng sản xuất lúa an toàn – là các vùng hoàn toàn chủ động nước phục vụ sản xuất lúa, Cục Trồng trọt định hướng, cần tập trung đầu tư các nguồn lực để tạo ra vùng sản xuất lúa trọng điểm, thâm canh có hiệu quả cao. Tập trung sử dụng các giống lúa chất lượng cao, giống có thời gian sinh trưởng trung bình, giống ngắn ngày, sản xuất lúa hữu cơ… Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất theo hợp tác xã, tổ hợp tác, chú ý đến việc xây dựng mô hình “cánh đồng lớn”.

Đặc biệt, với các vùng chuyển đổi, là các vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, sản xuất lúa rất rủi ro dù ở các năm có thời tiết khí hậu bình thường. Do vậy, vùng này cần thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Việc chuyển đổi trên đất trồng lúa có thể gồm: cây rau màu, cây dược liệu, cây ăn quả tùy thuộc vào điều kiện cụ thể từng địa phương và thị trường.

Riêng với vùng này, để mang lại hiệu quả khi chuyển đổi, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ người dân, nhất là với cây ăn quả do phải đầu từ lớn và mất nhiều năm mới cho thu hoạch. Xây dựng chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, sơ chế, chế biến, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Tạo điều kiện cho nông dân cải tạo đồng ruộng và dồn điền, đổi thửa, hình thành những vùng sản xuất lớn quy mô tập trung để dễ dàng hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất được lượng sản phẩm lớn, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo Đảng cộng sản

Theo Đảng cộng sản