Kiên Giang: Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống thiên tai mùa mưa, bão năm 2020

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 04:56, 08/09/2020

Moitruong.net.vn – Thời gian qua, Kiên Giang triển khai nhiều biện pháp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm “Chủ đông phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2020 đến nay tình hình thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan xảy ra trên địa bàn tỉnh như: Hạn hán, xâm nhập mặn, bão, áp thấp nhiệt đới, dông, lốc, sét, sạt lỡ…; đặc biệt trong những tháng gần đây, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang liên tiếp bị ảnh hưởng do mưa lớn, lốc, sét đã làm sập 175 căn nhà, tốc mái 446 nhà, nhập nước 32 nhà, sét đánh chết 3 người, bị thương 3 người do dông lốc, cao hơn khá nhiều so với các năm trước; riêng từ ngày 01-21/8/2020, do ảnh hưởng cơn bão số 2 đã làm sập 140 căn nhà, tốc mái 376 căn nhà, ngập nước 32 căn nhà, bị thương 01 người, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh hỗ trợ cho các hộ bị thiên tai

Tỉnh đã triển khai hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân khắc phục hậu quả do thiên tai tại các huyện: An Minh, An Biên, Tân Hiệp, U Minh Thượng, Châu Thành và Kiên Lương, với tổng kinh phí 680.300.000 đồng. Bên cạnh đó, tỉnh công bố kết thúc thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 trên diện rộng thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang. Các sở, ban ngành có liên quan và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, thống kê thiệt hại; tập trung thực hiện công tác hỗ trợ, khắc phục hậu quả do xâm nhập mặn gây ra nhằm giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình, phi công trình; định hướng sản xuất, hoạt động phù hợp với từng khu vực trên địa bàn để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn xảy ra trong những năm tiếp theo.

Thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra ở từng địa phương; đặc biệt các khu vực có nguy cơ cao về sự cố, thiên tai; các kế hoạch, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão sát với tình hình thực tế của từng địa phương… kiểm tra, gia cố đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ đối với các bờ bao, cụm, tuyến dân cư. Tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất lúa Hè Thu, Thu Đông, vườn cây, rau màu, nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toan trong mùa mưa, bão; nhất là những vùng trũng, thấp thường bị ngập úng cục bộ. Các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Tây sông Hậu khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp phòng, chống ảnh hưởng của ngập lũ nội đồng trên địa bàn theo hướng dẫn của ngành chức năng. Theo dõi chặt chẽ mọi diển biến tình hình thên tai, đặc biệt chú ý về gió mạnh trên biển, sạt lỡ bờ sông, bờ biển, triều cường.

Tỉnh tiếp tục kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai vị trí xung yếu, bờ sông, bờ biển có khả năng sạt lở trên địa bàn quản lý để phát hiện, xử lý để khắc phục kịp thời.

Mưa giông kèm theo sóng lớn làm thiệt hại nhiều tài sản công cộng tại khu vực Dinh Cậu (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang)

Cùng với đó, tuyên truyền vận động Nhân dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây gần nhà, các tuyến đường có khả năng đổ ngã nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng, phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm “Chủ đông phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. Vận động người dân chủ động kiểm tra an toàn các thiết bị điện sinh hoạt; kê kích hàng hóa, vật tư, giấy tờ, đồ đạc và tài sản ở những nơi cao ráo, nhằm đảm bảo an toàn khi có tình huống ngập úng cục bộ.

Tiếp đến lập danh sách các lực lượng huy động để có kế hoạch ứng phó thiên tai trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai. Xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho các khu cách ly tập trung, các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế… để đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn./.

Quốc Tuấn

Quốc Tuấn