Xây dựng giải pháp và bản đồ trực tuyến cảnh báo hạn mặn ở ĐBSCL
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 03:33, 14/09/2020
Chỉ thị nêu rõ, từ đầu mùa lũ năm 2020 đến nay, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công thiếu hụt từ 30-40% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy sông Mê Công ở mức rất thấp; Biển Hồ (Campuchia), nơi cung cấp nguồn nước quan trọng bổ sung cho Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng mùa khô hiện mới trữ được gần 9 tỷ m3 nước, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 23 tỷ m3 nước, thấp hơn năm 2015 khoảng 8 tỷ m3 và thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỷ m3 nước.
Năm 2020, được dự báo tiếp tục là năm ít nước, dòng chảy lũ về Đồng bằng sông Cửu Long nhỏ, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào các tháng mùa khô năm 2020-2021, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến nghiêm trọng.
Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu – nước biển dâng, sự gia tăng khai thác nguồn nước ở các nước thượng nguồn hệ thống sông quốc tế và gia tăng nhu cầu sử dụng nước cho phát triển nội tại sẽ làm tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn.
Những cánh đồng khô khát vì hạn hán và xâm nhập mặn.
Do đó, Chính phủ yêu cầu các tỉnh ĐBSCL rà soát, đánh giá thực trạng công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt để lập bản đồ trực tuyến cảnh báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, nơi cấp nước sinh hoạt phù hợp với từng vùng. Bản đồ nhằm xây dựng kế hoạch cấp nước, hạn chế thiệt hại.
Các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là ở khu vực thường xuyên hạn hán, xâm nhập mặn; phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm. Nhà chức trách cần hướng dẫn cách tính toán, xác định lượng nước tưới cần thiết cho các vùng cây ăn trái có nguy cơ bị xâm nhập mặn; có giải phấp cấp nước theo hộ gia đình và tập trung; vận động tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ.
Ngoài ra, hàng loạt giải pháp khác được đề ra như sớm việc nạo vét kênh, rạch; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn; đẩy nhanh xây dựng công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là công trình giữ nước ngọt, kiểm soát mặn…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi diễn biến và dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và xâm nhập mặn; kịp thời cảnh báo các địa phương và người dân vùng ảnh hưởng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên cung cấp bản tin nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước thượng nguồn về ĐBSCL, diễn biến xâm nhập mặn; thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để dự báo ảnh hưởng đến ĐBSCL.
Chính phủ kêu gọi mỗi gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xóm, ấp, làng, xã, huyện, tỉnh có giải pháp dự trữ nước ngọt ngay từ cuối mùa mưa để bảo đảm nước cho sinh hoạt và sản xuất trong các tháng mùa khô.
Hồng Anh