Liên hợp quốc kêu gọi các cường quốc hợp tác chống biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:33, 10/09/2020
Các cường quốc trên thế giới cần hợp tác với nhau và thay đổi nền kinh tế vì một tương lai xanh nếu không nhân loại sẽ “diệt vong.”
Đây là cảnh báo vừa được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra ngày 8/9.
Theo ông, việc thế giới chưa thể kiểm soát sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho thấy nguy cơ của thực trạng mất đoàn kết trên thế giới.
Trước khi virus SARS-CoV-2 tấn công, năm 2020 được coi là năm bản lề để cảnh báo sự ấm dần lên của Trái Đất. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã gạt cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sang bên lề khi các nước phải áp đặt các biện pháp chưa từng có tiền lệ nhằm khống chế sự lây lan của đại dịch. Do đó, việc thực thi hành động chống biến đổi khí hậu đang khẩn thiết hơn bao giờ hết.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres nhấn mạnh, việc thế giới chưa thể ngăn chặn đại dịch Covid-19 cho thấy cộng đồng quốc tế hợp tác chưa đủ. Chính vì vậy, các nước cần hợp tác với nhau để đối phó với mối đe dọa về khí hậu. Đồng thời, ông Guterres kêu gọi các nước ngừng ngay việc trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch, bắt đầu đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo, cũng như đưa ra cam kết không phát thải carbon vào năm 2050.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres
Biến đổi khí hậu đã kéo theo một mối nguy hiểm rõ ràng đối với toàn thế giới, bao gồm cả nạn châu chấu hoành hành tại Pakistan cùng một số nước khác.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tốc độ cắt giảm lượng khí thải chậm với 3% mỗi năm sẽ khiến Trái đất nóng lên khoảng 2 độ C vào năm 2100. Mức độ nóng lên này sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm chết rạn san hô và mất sự ổn định của các tảng băng ở Greenland và Nam Cực.
Do đó, theo Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), nếu các nước thực hiện nghiêm túc lộ trình giảm 50% lượng khí CO2 vào năm 2030, và xuống mức 0% đến năm 2050 cùng cam kết không có thêm khí phát thải mới thì mới có thể kiềm chế được mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng an toàn 1,5 độ C.
Ông Guterres cho biết, “Hành tinh đang bốc cháy, trong khi có quá nhiều nhà hoạch định chính sách vẫn đang tiếp tục tỏ ra chậm trễ”.
Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, việc thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng gặp phải nhiều rào cản. Đơn cử như những cam kết của các nước phát thải nhiều carbon nhất, cùng những quan ngại về việc hiệp định này là chưa đủ để ngăn chặn thảm họa về biến đổi khí hậu.
Chưa kể năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra quyết định gây chấn động thế giới, khi rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Theo kế hoạch, Washington sẽ chính thức rút khỏi hiệp định này vào ngày 4/11, ngay sau cuộc bầu cử tổng thống.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, hiện vẫn chưa có tín hiệu nào về việc Mỹ sẽ khôi phục các chính sách theo những mục tiêu mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đề ra.
Bảo Châu