Phát triển du lịch biển gắn với giải quyết ô nhiễm, bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 10:30, 28/08/2018
–
Theo bà Đỗ Thu Trang (Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dù được lồng ghép vào định hướng phát triển tổng thể về kinh tế-xã hội ở nhiều địa phương, nhưng do thiếu sự thống nhất trong khai thác các nguồn lực nên du lịch của vùng đứng trước nguy cơ phát triển kém bền vững.
Du lịch biển đã mang lại cơ hội xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống của người dân ở vùng ven biển. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, vùng ven biển Việt Nam có khoảng 1.400 cơ sở lưu trú, đặc biệt là các khách sạn từ 3 sao trở lên phần lớn tập trung ở đây. Du lịch biển phát triển cũng tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương vùng ven biển, làm đổi thay bộ mặt nhiều địa phương trước đó là nơi nghèo khó, kém phát triển.
Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường biển
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm biển là do phát triển công nghiệp, du lịch tràn lan, cùng với nuôi trồng thủy sản bất hợp lý; dân số tăng và nghèo khó; lối sống giản đơn và dân trí thấp cộng với thể chế, chính sách còn bất cập. Điều đó dẫn tới từ 70% đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển. Việc khai thác hải sản bằng mìn, sử dụng hóa chất độc hại làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn lợi thủy sản, gây hậu quả nặng nề cho các vùng sinh thái biển.
Mặt khác, các hoạt động du lịch cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của biển. Minh chứng là Vườn quốc gia Cát Bà với 5.400ha mặt nước, từ một hòn đảo trong lành, ngày nay môi trường ở đây đã bị biến thái kể từ khi được đưa vào khai thác du lịch và nuôi trồng thủy sản, vì mỗi ngày có hàng nghìn tấn rác đổ trực tiếp ra biển.
Một nguyên nhân gây ô nhiễm biển nữa là nạn tràn dầu do hoạt động của các tàu thuyền và các sự cố hư hỏng hay đắm tàu trở dầu; sự cố tại lỗ khoan thăm dò và dàn khoan khai thác dầu trên biển. Đáng chú ý là các vụ tràn dầu nghiêm trọng những năm gần đây có xu hướng tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường biển, đặc biệt là vùng nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, vùng biển nước ta có hàng trăm giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, ngoài việc thải nước lẫn dầu với khối lượng lớn, trung bình mỗi năm hoạt động này còn phát sinh 5.600 tấn rác thải dầu khí, trong đó có 20% đến 30% là chất thải rắn nguy hại còn chưa có bãi chứa và nơi xử lý. Đó là chưa kể tình trạng ô nhiễm dầu do khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển không ngừng gia tăng.
Ra quân làm sạch bãi biển
Khai thác du lịch trên nền tảng bền vững
Để du lịch biển Việt Nam phát triển bền vững, giải pháp trước hết là kịp thời xử lý ô nhiễm nước biển và khu vực ven bờ để cải thiện môi trường, tăng sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch biển. Các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các tỉnh có biển tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách xử lý, ứng phó với tình trạng cá chết, tràn dầu, chất thải, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý, ô nhiễm nước biển và ven bờ. Áp dụng các biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực ven biển.
Chính quyền cùng ngư dân ven biển và du khách định kỳ tổ chức ra quân cùng tham gia làm sạch bãi biển, thu gom, xử lý rác thải trên bờ; thực hiện chôn lấp hải sản chết, chất thải đúng quy trình kỹ thuật, tránh làm ô nhiễm vùng nước biển, nguồn nước ngọt, khu dân cư, khu đô thị, trường học, bãi tắm, khu…; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực có cá chết; ngăn chặn mọi hình thức đổ rác thải tại các khu vực ven biển. Tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường biển, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển. Bên cạnh đó, cần thực hiện chuyển hướng xây dựng, cung ứng sản phẩm du lịch mới như khuyến khích các loại hình du lịch sinh thái biển thân thiện với môi trường, hỗ trợ đắc lực cho những dự án bảo vệ môi trường biển.
Minh An (T/h)