Biến đổi khí hậu làm tăng mạnh số vụ thiên tai trong 20 năm qua
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:30, 14/10/2020
Nội dung này được đề cập trong báo cáo được Văn phòng Liên Hợp Quốc về giảm nhẹ rủi ro thiên tai (UNDRR) công bố ngày 12/10 – một ngày trước Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2000 – 2019, trên thế giới đã ghi nhận 7.348 trận thiên tai lớn, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 20 năm trước. Thiên tai đã khiến 1,23 triệu người thiệt mạng, ảnh hưởng đến cuộc sống của 4,2 tỷ người và gây thiệt hại kinh tế 2.970 tỷ USD trong 20 năm qua.
Ảnh minh họa
Các con số trên tăng mạnh chủ yếu là do gia tăng tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan liên quan đến khí hậu, trong đó có lũ lụt, mưa bão, hạn hán. Số đợt lũ lụt lớn tăng hơn gấp đôi lần lên 3.254 đợt, trong khi các đợt hạn hán, cháy rừng, nắng nóng kéo dài cũng gia tăng mạnh. Số lượng các cơn bão lớn là 2.034, tăng đáng kể so với con số 1.457 cơn bão của 20 năm trước trước đó.
Những hiện tượng liên quan đến địa vật lý như động đất, sóng thần và núi lửa cũng tăng cao và là “thủ phạm” cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn so với các thảm họa thiên nhiên khác nêu trong báo cáo. Tồi tệ nhất là trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, làm chết hơn 226.000 người, rồi đến động đất tại Haiti năm 2010 với khoảng 222.000 người thiệt mạng.
Tính theo khu vực, châu Á hứng chịu nhiều thiên tai nhất trong 20 năm qua với 3.068 trận, kế đến là châu Mỹ với 1.756 trận và châu Phi 1.192 trận. Xét theo quốc gia, nước ghi nhận nhiều vụ thiên tai nhất là Trung Quốc (577), sau đó là Mỹ (467). Đáng nói, có tới 8 nước châu Á nằm trong tốp 10 quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất thế giới. Báo cáo của UNDRR được tổng hợp từ Cơ sở dữ liệu các sự kiện khẩn cấp, ghi lại những thiên tai khiến ít nhất 10 người chết, ảnh hưởng tới ít nhất 100 người hoặc buộc chính quyền địa phương phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Trung tâm Nghiên cứu về dịch tễ học do thiên tai (Bỉ) cảnh báo nhân loại sẽ đối mặt với một tương lai “rất mờ mịt” nếu các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục tăng theo cấp độ như thế trong 20 năm tới. Nắng nóng sẽ đặt ra thách thức lớn nhất đối với con người trong thập niên tới, đặc biệt tại những nước kém phát triển.
Để tránh kịch bản đó xảy ra, người đứng đầu UNDRR Mami Mizutori kêu gọi chính phủ các nước khẩn trương đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và triển khai những chiến lược giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Trước đó, các quốc gia thành viên LHQ đã nhất trí áp dụng các chiến lược giảm thiểu nguy cơ thảm họa vào năm 2020, song cho tới nay chỉ hơn 90 nước thực hiện cam kết.
Minh Châu