Lũ ở miền Trung lại vượt mốc lịch sử
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 05:00, 19/10/2020
Theo ông Vũ Đức Long – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ 1h30 đến 10h30 ngày 18/10), ở các tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-180mm/09h.
Tất cả các địa bàn trên huyện Lệ Thủy đều chìm trong nước lũ, Ảnh Laodong
Do mưa lớn, lũ đặc biệt lớn đã xảy ra trên các sông tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, đỉnh lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) sông Hiếu, sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đều ở mức tương đương và cao hơn lũ lịch sử.
Trên sông Hiếu tại trạm Đông Hà (Quảng Trị) lên mức là 5,7m, trên báo động (BĐ) 3 là 1,7m, cao hơn đỉnh lũ ngày 8/10/2020 (4,69m). Trên sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn là 7,39m trên BĐ3 1,39m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999 (7,29m).
Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, nước trên sông Kiến Giang tại huyện Lệ Thủy đạt đỉnh 4,30 m trên mức báo động III là 1,60 m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1979 là 0,39m.
Dự báo từ 12-24 giờ tới, lũ trên sông Kiến Giang tiếp tục dao động ở mức cao.
Dự báo mưa trong 6 giờ tới ở Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục có mưa rất to, lượng mưa từ 50-150mm; ở Nghệ An có mưa, phía Nam có mưa to với lượng mưa 30-70mm. Ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có mưa với lượng mưa 10-20mm.
Trong 24 giờ tiếp theo (từ nay đến ngày 20/10), ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to với lượng mưa từ 400-600mm; ở Nghệ An 100-200mm, riêng phía Nam có nơi trên 300mm.
“Dự báo, lũ trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục lên rất nhanh, các sông ở Quảng Trị dao động ở mức cao (trên báo động 3). Ngày 19/10, trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị mực nước sẽ lên vượt mức báo động 3, lũ đặc biệt lớn sẽ xuất hiện, không ngoại trừ các sông tiếp tục lên vượt mức lịch sử”, ông Long nhận định.
Mực nước dâng cao ngang đầu một người dân tại trung tâm thị trấn Kiến Giang, Ảnh Laodong
Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai báo cáo, tính từ 6/10 đến sáng 18/10, bão cùng mưa lũ đã khiến 68 người chết. Cụ thể, Quảng Bình 2, Quảng Trị 17, Thừa Thiên Huế 27, Quảng Nam 11, Đà Nẵng 3, Quảng Ngãi 1, Gia Lai 1, Đắk Lắk 1, Lâm Đồng 1, Kon Tum 2, Hòa Bình 2.
21 người mất tích gồm: Thừa Thiên Huế 15, Nghệ An 1, Quảng Trị 2, Đà Nẵng 1, Gia Lai 1, Yên Bái 1.
Ngoài ra, theo thông tin ban đầu tại Hướng Hóa (Quảng Trị) đã xảy ra 2 sự cố sạt lở nghiêm trọng. Đó là, một hộ gia đình 6 người bị sập và đoàn kinh tế 337 (Quân Khu 4) bị sạt lở mất tích khoảng 22 cán bộ, chiến sĩ (số liệu cập nhật sau). Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã cử đoàn công tác do Phó Chủ tịch tỉnh đang tiếp cận khu vực bị sạt lở.
Về nhà ở, hơn 77.000 nhà bị ngập, hư hỏng, đổ sập; gần 108.000ha lúa, mạ, hoa màu bị ngập, vùi lấp, hư hỏng; hơn 930 ha cây lâm nghiệp, cây ăn quả và 47.000 tấn cây giống, hạt giống bị hư hỏng; gần 4.000ha thủy sản bị thiệt hại; 461.627 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Về giao thông: 12 tuyến Quốc lộ, 17.409m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi).
An Nhiên