Sạt lở đất ở Việt Nam: Căn nguyên thiên tai hay nhân tạo

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 06:30, 23/10/2020

Moitruong.net.vn – Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, ngoài biến đổi khí hậu, diễn biến khó lường của thời tiết dẫn đến sạt lở đất, nguyên nhân chủ yếu là sự thay đổi môi trường, sự can thiệp của con người vào tự nhiên.

Trong các ngày 12, 13 và 18/10 đã liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt lở đất kinh hoàng tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm Sông Bồ (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) và tại Sở Chỉ huy Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 thuộc Quân khu 4 (xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Mới đây nhất, ngày 20/10, đã xảy ra vụ sạt lở đất Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (huyện Minh Hóa, Quảng Bình).

Các định nghĩa khoa học về sạt lở đất trên thế giới đều khẳng định nguyên nhân là do sự phong hóa dần dần và dưới tác động của những trận mưa lớn.

Còn tại Việt Nam, theo cách lý giải của Tổng cục Phòng chống thiên tai thì lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đều có chung một đặc điểm là xuất hiện sau những cơn mưa lớn.

Thông thường mái dốc đồi, núi nằm ở trạng thái ổn định tương đối. Do tác động dần dần của sự phong hóa (nước làm mềm đất) hay kiến tạo (khe nứt phát triển) thì liên kết của mái dốc vào khối chính của đồi, núi không thắng được trọng lực, dẫn đến lở đất, đá.

Tại khu vực miền núi lở đất hay xảy ra vào mùa mưa hay mùa tuyết tan và có thể tạo ra lũ bùn đá.

Những ngày vừa qua, mưa lũ lại “bao vây” các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tính đến 7h00 ngày 24/7, số người chết do mưa lũ đã lên tới 27 người, trong đó Yên Bái là địa phương thiệt hại về người nhiều nhất, với 13 người. Ngoài ra, mưa lũ cũng gây thiệt hại về tài sản và hạ tầng giao thông cho nhiều địa phương.

Ai cũng biết rằng, thiên tai mưa bão, lũ lụt là thuộc tính của tự nhiên từ muôn đời, con người không thể ngăn chặn được và chỉ có thể chủ động trong phòng, chống để hạn chế tác hại của thiên tai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thiên tai cũng có nguyên nhân từ con người. Ô nhiễm không khí, hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên… có lỗi của con người.

Bên canh các yếu tố tự nhiên dẫn đến sạt lở đất thì dĩ nhiên con người cũng có tác động đến tiến trình phong hóa trên sườn dốc đồi, núi.

Bất kỳ một công trình nào do con người tạo ra, nhất là ở vùng rừng núi, đầu nguồn các con sống, đều ảnh hưởng hoặc ít hay nhiều nhiều đến môi trường, trong đó có cả việc tác động đến đặc tính hóa-lý của các tầng địa chất ở một khu vực cụ thể.

Việc khai thác, chặt phá rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ đã khiến nhiều cánh rừng trở nên trơ trụi. Các kiểu khai thác khoáng sản từ thủ công đến công nghiệp và xây dựng các công trình lấn chiếm lòng suối, làm giảm hoặc thậm chí mất hành lang thoát lũ là nhân tố quan trọng tạo ra nguy cơ nứt núi, lở đất, lũ quét.

Diện tích rừng nguyên sinh bị thu hẹp, được thay bằng rừng trồng ở vị trí khác khiến khả năng giữ nước bị thay đổi, taluy vách đồi, núi được xẻ cao làm mất thế cân bằng ổn định của mái dốc được tạo ra qua hàng triệu năm…

Xây dựng công trình hồ chứa, đập thủy điện không đủ an toàn tạo ra nguy cơ vỡ đập, gây ra dòng lũ quét nhân tạo, đe dọa cuộc sống của cư dân xung quanh.

Đây là sự tác động trực tiếp để “kích hoạt” cơ chế chuyển dịch các khối đất, đá dẫn đến hiện tượng sạt lở đất.

Trượt lở đất đá diễn ra ngày càng nhiều, nhất là ở vùng núi phía Bắc

Theo Hội Đất ngập nước Việt Nam, mặc dù thủy điện được coi là nguồn năng lượng sạch và rẻ trong bối cảnh nước ta còn thiếu điện và phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện, song cũng cần nhìn nhận một thực tế là các đập thủy điện có thể làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu một khi bị lạm dụng, được xây dựng dày đặc, vượt quá sức chịu đựng của thiên nhiên.

Theo ý kiến của các nhà khoa học, chỉ riêng tại 4 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Kon Tum và Đắk Nông mà có gần 150 dự án thủy điện lớn, nhỏ thì mục tiêu mà chúng ta đang phấn đấu-tìm sự hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên và xây dựng, phát triển, sẽ khó đạt được.

Mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 10 đến 15 trận lũ quét ở vùng núi phía Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Do thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá, và đương nhiên cả con người và tài sản nơi nó đi qua.

Vậy là thiên tai cộng hưởng với nhân họa tạo ra lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng hơn. Nếu không thay đổi được tình trạng này thì lũ lụt, sạt lở vẫn tiếp tục, không thể có kết cục tốt đẹp hơn.

Ngọc Mai

Ngọc Mai