Bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gây mưa to từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 01:31, 26/10/2020
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 8, ở Hoành Sơn (Hà Tĩnh) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi vào đất liền khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 26/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên biển trong 12 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Từ vĩ tuyến 16,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 109,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên – Huế, gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2-3 m; biển động.
Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150 mm/đợt, có nơi trên 200 mm.
Trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế, gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; sóng biển cao từ 2-3m; biển động. Từ Nghệ An đến Quảng Trị tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến 30-70mm. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm.
Đến 19 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 450 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 14.
Vùng nguy hiểm do bão số 9 trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên), từ vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 116,0 đến 120,0 độ Kinh Đông.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 19 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở cách bờ biển khu vực từ Quảng Nam đến Phú Yên khoảng 360 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150 km/giờ), giật cấp 15.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km đi vào đất liền các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 19 giờ ngày 28/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo: Từ ngày 27/10 đến ngày 29/10, bão số 9 có thể gây mưa to đến rất to cho khu vực Trung Bộ (200-350 mm/đợt).
Hoàn lưu sau bão kết hợp không khí lạnh có thể gây mưa lớn kéo dài cho các khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể có mưa đặc biệt to (trên 500 mm/đợt).
Bão số 8 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Về cơn bão số 9 đang có xu hướng mạnh lên và hướng vào Biển Đông. Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, bão số 9 sẽ đi vào Biển Đông trong ngày 26/10 và di chuyển nhanh, có cường độ rất mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng. Bão số 9 có thể gây ra gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15 ở Biển Đông; cấp 11-12, giật cấp 14 ở vùng biển ven bờ các tỉnh, thành phố thuộc Trung Bộ.
Trên Biển Đông, sóng biển có thể cao từ 8-10 m, vùng ven biển Trung Bộ từ 5-7 m; trọng tâm là khu vực vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Khu vực ven biển từ Quảng Nam đến Bình Định có thể có nước dâng do bão tới 1,0m.
Từ ngày 27/10 đến ngày 29/10, bão số 9 có thể gây mưa to đến rất to cho khu vực Trung Bộ (200-350 mm/đợt). Hoàn lưu sau bão kết hợp không khí lạnh có thể gây mưa lớn kéo dài cho các khu vực Bắc và Trung Trung Bộ, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể có mưa đặc biệt to (trên 500 mm/đợt).
Trong thời gian trên, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi khu vực Trung Bộ có nguy cơ xảy ra cao đến rất cao. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến cụ thể của cơn bão rất mạnh này để chủ động phòng tránh.
Theo đó, các huyện, thị, thành phố rà soát kỹ tất cả các vị trí có nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động phòng tránh có hiệu quả.
Tại các địa phương có nguy cơ cao về ngập, lụt, vùng trũng, vùng hạ du hồ, đập, chính quyền và lực lượng chức năng rà soát các hộ dân có số điện thoại chủ hộ để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Bên cạnh đó lực lượng “4 tại chỗ” chủ động các phương án để ứng phó kịp thời khi bão, lũ, thời tiết cực đoan xảy ra, cùng với đó chuẩn bị, dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết.
Các đơn vị liên quan triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình hồ đập, đặc biệt là các hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, các tuyến đê xung yếu; chủ động điều tiết các hồ chứa, không để bị động khi có mưa, lũ xảy ra.
Hiện tại, nước lũ đang rút dần, các cấp chính quyền cùng với các lực lượng quân đội, công an, các tổ chức đoàn thể tập trung làm vệ sinh môi trường, giúp nhân dân, trường học thau chùi nhà cửa, trường lớp. Lực lượng y tế tổ chức phun hóa chất, khử độc, tiêu trùng ngăn chặn dịch, bệnh có thể bùng phát sau lũ.
Nhân dân các huyện ven biển Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đã đưa tàu thuyền vào âu thuyền tránh trú áp thấp và bão số 9.
Theo Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 3.957 phương tiện tàu, thuyền với 14.932 lao động đã biết thông tin, đường đi của áp thấp và cơn bão số 9, chủ động về nơi tránh trú an toàn.
Để đối phó với áp thấp nhiệt đới và bão số 9 kèm theo lượng mưa lớn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã thông báo về tăng lưu lượng xã tràn hồ chứa nước Kẽ Gỗ từ 250m3/s tăng lên 400m3/s vào sáng 26/10.
Ngọc Linh