Bão số 9 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:01, 30/10/2020
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, thiệt hại ban đầu do bão số 9 và mưa lũ đến hết 8h ngày 30/10 đã làm 23 người chết, tăng 22 người so với ngày 29/10.
Hiện vẫn còn 47 người đang mất tích (Quảng Nam 24 người và Bình Định 23 người trên 2 tàu chìm ngoài khơi ngày 27/10). Lực lượng chức năng đang khẩn trương tìm kiếm người còn mất tích do sạt lở đất tại tỉnh Quảng Nam và trên 2 tàu cá tỉnh Bình Định bị chìm.
Có 2.642 nhà bị sập (Quảng Nam 2.372 nhà), 92.356 nhà bị tốc mái, hư hỏng (riêng Quảng Ngãi 84.499 nhà), 2.415 nhà bị ngập.
Có 32 trụ sở cơ quan, 157 trường học bị tốc mái hư hỏng, 20 cầu, cống bị xói lở, hư hỏng.
Mưa to, nước ngập chạm mái nhà dân tại Nghệ An.
Đường Hồ Chí Minh (Quảng Nam) bị đứt đường từ Km1353+800 – Km1354, đã tổ chức phân luồng xuống Quốc lộ 14E để ra quốc lộ 1; Quốc lộ 40 có nhiều điểm bị sạt lở: tại điểm sạt lở Km 68 (Bắc Trà My) lực lượng chức năng đã cho nổ mìn để mở đường; Đoạn tuyến Bắc Trà My lên Nam Trà My dài khoảng 20km, có 4 điểm sạt lở tại Km 68, Km93+800, Km 95+130, Km 96+140, hiện đang tiếp tục xử lý. Nhiều tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ bị sạt lở, các địa phương đang thống kê, đánh giá thiệt hại. Ngoài ra, bão số 9 còn làm 8.773 cây xanh bị gãy đổ; 5.002 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; kè bờ biển bị sạt lở tổng chiều dài 2.100 mét.
Về điện lực, 106 cột điện bị gãy đổ, hiện còn 576 xã chưa có điện, gồm: Quảng Bình 2 xã; Quảng Trị 36 xã; Thừa Thiên-Huế: 30 xã; Đà Nẵng: 17 phường/xã; Quảng Nam 222 xã; Quảng Ngãi 166 xã; Bình Định 45 xã; Phú Yên 9 xã; Gia Lai 24 xã; Đăk Lăk 4 xã; Kon Tum 21 xã.
Về tàu thuyền, 21 chiếc tàu cá bị chìm, gồm Quảng Nam 4 chiếc; Phú Yên: 10; Bình Thuận 1; Bình Định 6 (trong đó 2 tàu chìm ngoài khơi ngày 27-10). Khôi phục điện lưới, đã khôi phục sự cố tại 5 đoạn đường dây lưới truyền tải 500kV, 8 đoạn lưới truyền tải 220kV và cung cấp điện trở lại cho 319 xã (Hà Tĩnh 90 xã, Quảng Bình 114 xã, Quảng Trị 77 xã, Thừa Thiên-Huế 27 xã/phường, Quảng Nam 11 xã). Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tiếp tục huy động các nguồn lực để kiểm tra và khắc phục để cấp điện trở lại phục vụ sinh hoạt cho người dân.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay lũ trên sông Cả (Nghệ An), sông Ngàn Sâu và sông La (Hà Tĩnh) đang lên. Mực nước đỉnh lũ sông Cả và các sông Ngàn Sâu và sông La lên mức trên báo động 2 (BĐ2) và có khả năng tiếp tục lên.
Dự báo, trong ngày 30 và 31/10 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, riêng Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 300mm; các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm, có nơi trên 200mm.
Để chủ động đối phó với tình hình mưa, lũ còn diễn biến phức tạp, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồi 10 giờ ngày 30/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống Thiên tai (PCTT) – Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã có công điện số 33/CĐ-TW gửi Ban Chỉ huy PCTT& TKCN các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh yêu cầu tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê theo cấp báo động để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu.
Kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, nhất là các trọng điểm xung yếu; các công trình đang thi công để triển khai phương án bảo vệ, đảm bảo an toàn. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ và tình hình đê điều; báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT để phối hợp chỉ đạo. Đối với dân cư ở các khu vực ngoài bãi sông, vùng ngập lũ, có phương án chủ động sơ tán người và tài sản để bảo đảm an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố.
Hoàng Liên