WMO dự báo nguy cơ La Nina mạnh lên và kéo dài sang năm tới
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:30, 30/10/2020
Ngày 29/10, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo nhiệt độ toàn cầu do biến đổi khí hậu sẽ cao hơn bình thường bất chấp hiệu ứng “làm mát” của hiện tượng khí hậu La Nina mạnh trong năm nay.
WMO nhận định La Nina đã mạnh lên và sẽ kéo dài sang năm tới, ảnh hưởng đến nhiệt độ, lượng mưa và mô hình bão tại nhiều khu vực của thế giới.
Trong khi hiện tượng El Nino tác động mạnh đến thời tiết và mô hình khí hậu, gây ra các hiện tượng nguy hiểm như mưa lớn, lũ lụt, hạn hán và khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên thì La Nina lại có hiệu ứng ngược lại.
Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas, việc toàn cầu ấm lên có thể ảnh hưởng hoặc làm suy yếu tác động của La Nina. Ông Taalas nhấn mạnh, tác động làm lạnh khí hậu của La Nina cũng không đủ để bù lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu do con người gây ra.
La Nina thường gây hiệu ứng giảm bớt nhiệt độ toàn cầu, song sức nóng của lượng nhiệt tích tụ trong khí quyển do hiệu ứng nhà kính lại đảo ngược xu hướng này.
Do đó, năm 2020 sẽ tiếp tục trên đà trở thành một trong những năm nóng kỷ lục và giai đoạn 2016-2020 sẽ là giai đoạn 5 năm nóng kỷ lục của thế giới. Giờ đây, những năm chịu ảnh hưởng của La Nina sẽ còn ấm hơn cả những năm hiện tượng El Nino tác động mạnh trước đó.
WMO dự báo La Nina sẽ diễn biến từ vừa phải đến mạnh trong năm nay, đồng thời lưu ý thế giới đã không ghi nhận hiện tượng La Nina mạnh trong một thập kỷ qua.
WMO nhấn mạnh La Nina và El Nino không phải là những nhân tố duy nhất ảnh hưởng đến các mô hình khí hậu toàn cầu và khu vực, tác động của các hiện tượng này đối với khí hậu sẽ thay đổi tùy theo thời điểm trong năm và các nhân tố khác.
Hiện tượng La Nina được cảnh báo có thể gây mưa lũ tại nhiều nơi trên thế giới
Theo dự báo, tại Đông Nam Á, Nam Á và nhiều nơi ở Australia có khả năng xuất hiện mưa lớn hơn bình thường. Các trận bão cũng có khả năng xuất hiện nhiều hơn về số lượng và mạnh hơn về cường độ.
Mặc dù La Nina xảy ra sẽ gây ra tác động giảm nhiệt, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục cao hơn bình thường.
“Ngay cả khi La Nina diễn ra, tác động làm lạnh khí hậu của hiện tượng này cũng không đủ để bù lại tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra, làm khí hậu nóng lên” – ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo.
Tại Việt Nam, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trên tiếp tục lạnh đi và sẽ chuyển hoàn toàn sang trạng thái La Nina vào các tháng cuối năm 2020 sang đầu năm 2021 với xác suất khoảng 65 – 70%. Trong những năm trước đây, nước ta đã ghi nhận nhiều cơn bão mạnh gây thiệt hại nặng nề cũng như bất thường trong mùa mưa bão.
La Nina là hiện tượng trái ngược với El Nino, xảy ra sau khi El Nino kết thúc với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino. La Nina xảy ra khi lớp nước biển bề mặt lạnh đi bất thường, làm lạnh nhiệt độ của những vùng mà nó đi qua. El Nino thường khiến nhiệt độ toàn cầu nóng lên, gây ra các hiện tượng khí hậu như mưa lớn, lũ lụt và hạn hán, trong khi La Nina có xu hướng tạo ra các tác động ngược lại.
Đợt La Nina gần đây nhất xảy ra vào tháng 11/2017 và kết thúc trong tháng 4/2018. Tổ chức Khí tượng Thế giới dự báo, La Nina năm nay sẽ yếu và không đủ để bù lại tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra, làm khí hậu nóng lên. Theo dự báo, tại Đông Nam Á, Nam Á và nhiều nơi ở Australia có khả năng xuất hiện mưa lớn hơn bình thường.
La Nina là hiện tượng nước biển lạnh đi so với bình thường. Nó trái ngược hoàn toàn với hiện tượng El Nino (nước biển nóng lên) nhưng lại thường sẽ xảy ra ngay sau khi hiện tượng El Nino kết thúc. Và sau 2019 – năm hiện tượng El Nino diễn ra khiến nhiệt độ nhiều nơi trên Trái Đất cao kỷ lục – thì giờ sang năm 2020, Trái Đất hứng chịu La Nina.
Ngọc Mai