TP. Hồ Chí Minh thực hiện “Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:30, 28/10/2020
UBND TP.HCM vừa có Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn thành phố. Theo đó, TP.HCM đề xuất thực hiện 56 chương trình, dự án, được phân kỳ theo 2 giai đoạn: Giai đoạn năm 2020 với 17 chương trình, dự án do 12 Sở, ban, ngành chủ trì và giai đoạn từ 2021 đến năm 2030 với 39 chương trình, dự án do 15 Sở, ban, ngành chủ trì.
Triều cường gây ngập ở TP.HCM. (Ảnh: VNE)
Theo Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, TP.HCM sẽ thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thích ứng với BĐKH và chuẩn bị nguồn nhân lực. Trong đó, về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, trong giai đoạn 2020, TP.HCM sẽ thực hiện 6 chương trình, dự án.
Trong đó, 4 chương trình, dự án lồng ghép và 2 chương trình dự án mới để xây dựng và thực hiện các đề xuất giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) cho lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, lĩnh vực chất thải rắn; thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính khác phù hợp với điều kiện quốc gia. Trong giai đoạn từ 2021 – 2030, TP.HCM sẽ thực hiện 20 chương trình, dự án, trong đó có 19 chương trình, dự án lồng ghép và 1 dự án mới để thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Đối với nhiệm vụ thích ứng với BĐKH, giai đoạn 2020, TP.HCM sẽ thực hiện 7 chương trình, dự án. Trong đó, có 6 chương trình, dự án lồng ghép và 1 chương trình, dự án mới để thực hiện 5 nhiệm vụ, gồm: nhiệm vụ cập nhật đóng góp về thích ứng với BĐKH trong NDC phục vụ đánh giá nỗ lực toàn cầu định kỳ; rà soát thông tin, dữ liệu hiện có về thích ứng với BĐKH, tổn thất và thiệt hại; đề xuất thông tin, nghiên cứu bổ sung và phương thức quản lý, chia sẻ dữ liệu tạo thuận lợi cho xây dựng, cập nhật các báo cáo đóng góp của quốc gia về thích ứng với BĐKH; nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu ứng với với BĐKH và tăng trưởng xanh; thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; nhiệm vụ thực hiện các hoạt động khác về BĐKH nhằm tăng khả năng chống chịu, bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân, tạo điều kiện để có đóng góp lớn hơn trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Giai đoạn 2021 – 2030, TP.HCM sẽ thực hiện 17 chương trình, dự án. Trong đó, có 10 chương trình, dự án lồng ghép và 7 chương trình, dự án mới để thực hiện 12 nhiệm vụ chính. Các nhiệm vụ chính gồm: Hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng và dân sinh phù hợp với bối cảnh BĐKH; xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch dân cư, cơ sở hạ tầng dựa trên kịch bản BĐKH có chú trọng đến các ngành và vùng trọng điểm; triển khai các phương án và giải pháp, công trình phòng chống thiên tai trọng điểm, cấp bách nhằm bảo vệ đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng an ninh và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; di dời, sắp xếp lại các khu dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của bão, nước dâng do bão, lũ lụt, xói lở bờ sông, bờ biển.
Cùng với đó, quản lý tổng hợp tài nguyên nước, bảo đảm an toàn hồ chứa; tăng cường hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề nước xuyên biên giới; đảm bảo an ninh nguồn nước; quản lý rừng bền vững, ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng; trồng, bảo vệ, phục hồi rừng ven biển; rà soát, điều chỉnh và phát triển sinh kế và quá trình sản xuất phù hợp với điều kiện BĐKH gắn với xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội; thực hiện lồng ghép thích ứng với BĐKH dựa vào sinh thái và cộng đồng, thông qua phát triển dịch vụ hệ sinh thái bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng kiến thức bản địa, ưu tiên cộng đồng dễ bị tổn thương.
Về chuẩn bị nguồn lực, TP.HCM sẽ thực hiện 2 chương trình, dự án để xây dựng, triển khai chương trình đào tạo cán bộ, viên chức, người lao động đáp ứng nhu cầu thực hiện Thỏa thuận Paris. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ thực hiện 3 chương trình, dự án để áp dụng thử nghiệm một số công nghệ ứng phó với BĐKH có tiềm năng và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đồng thời, TP.HCM sẽ rà soát, đề xuất các cơ chế chính sách khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về BĐKH; củng cố các cơ quan nghiên cứu về BĐKH đầu ngành; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, trao đổi công nghệ.
Minh Trang