Biển Đông sắp hứng bão số 12

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:05, 08/11/2020

Moitruong.net.vn – Áp thấp nhiệt đới di chuyển rất nhanh vào Biển Đông và khả năng mạnh thành bão trong 24h tới, hướng vào các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên bờ biển miền trung Philippines duy trì sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 suốt những giờ qua.

Trong 24 giờ tới, hình thái này đi vào Biển Đông theo hướng tây, vận tốc 25 km/h và mạnh thành bão. Rạng sáng 9/11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 300 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.

Ngày 9/11, áp thấp nhiệt đới giữ nguyên hướng đi, vận tốc và tiếp tục mạnh lên. Đến sáng 10/11, tâm bão cách vùng biển từ Phú Yên đến Ninh Thuận 220 km. Sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11.

Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão số 12 sau khi vào Biển Đông. Ảnh: NCHMF

Theo bản đồ dự báo đường đi, với vận tốc 15 km/h, bão sẽ đi thẳng vào đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ ngày 11/11. Hiện, cơ quan khí tượng chưa đánh giá cụ thể về mức độ ảnh hưởng của hình thái này đến đất liền các tỉnh Trung Bộ.

Dù vậy, dự báo xa cho thấy từ ngày 9/11 đến 12/11, ven biển Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng xảy ra đợt mưa lớn diện rộng, nguy cơ xảy ra lũ trên các sông, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở đô thị.

Chuyên gia nhận định diễn biến mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở ở các tỉnh Trung Bộ còn phức tạp, có thể kéo dài tùy thuộc vào phạm vi hoạt động của áp thấp nhiệt đới và bão. Người dân cần liên tục cập nhật các diễn biến mới về diễn biến thiên tai, thời tiết trong những ngày tới.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận theo dõi, cập nhật diễn biến áp thấp nhiệt đới, thông báo cho các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Mai Anh

Mai Anh