Bão số 13 quét qua gây thiệt hại lớn tại Thừa Thiên Huế
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:01, 15/11/2020
Theo thông tin ban đầu, bão số 13 đã làm hàng chục nhà dân và trường học ở các xã ven biển như: Phú Thuận, Thuận An, huyện Phú Vang và các xã ven biển của các huyện Phong Điền, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế bị tốc mái và hư hỏng, nhiều cây xanh ở thành phố Huế và các huyện ven biển bị gãy đổ hư hại.
Bão số 13 quật đổ cây xanh khi quét qua Huế
Suốt một đêm trắng người dân Thừa Thiên – Huế đã không ngủ để theo dõi bão. Gió bắt đầu mạnh lên từ khoảng 1 giờ sáng và liên tục “quần thảo” cho đến hơn 4 giờ sáng thì gió giảm dần và đến sáng sớm nay, cơn bão đã suy yếu còn cấp 8, cấp 9, đi theo hướng tây tây bắc và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Tại TP.Huế, cây xanh tiếp tục gãy đổ, nhiều nhà dân, bảng hiệu, trường học bị tốc mái.
Tuyến bờ biển, có nhiều thiệt hại hơn khu vực miền núi. Tại thị trấn Thuận An, Phú Thuận, Phú Diên, Phong Hải…bão số 13 cũng làm nhiều nhà dân tốc mái, cây xanh gãy đổ.
Nhà dân bị tốc mái, ngổn ngang sau bão số 13
Bão số 13 cũng làm một số thuyền đánh bắt hải sản trên phá Tam Giang neo đậu cũng bị va đập và sóng chìm. Hiện các địa phương ở tỉnh Thừa Thiên Huế đang thống kê thiệt hại do bão 13 gây ra.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát đi thông báo bão số 13 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Người dân được đi lại bình thường bắt đầu từ 8 giờ sáng nay 15.11, riêng khu vực A Lưới, Phong Điền, Quảng Điền người dân vẫn chưa được ra đường cho đến 11 giờ trưa ngày 15/11.
Cùng với các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung, đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của nhà nước và của nhân dân khi bão số 13 đổ bộ. Đến nay, cơn bão không gây thiệt hại lớn, song tỉnh Quảng Trị chỉ đạo không được chủ quan, chủ động ứng phó đợt lũ mới khả năng gây lũ lớn ở đồng bằng và lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng miền núi.
Rạng sáng 15/11, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, ở huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Do chủ động triển khai kịp thời các phương án ứng phó, đặc biệt đã di chuyển khẩn cấp toàn bộ người dân đến các công trình của quân đội tránh trú nên mọi người an toàn.
Ở các xã ven biển, ngoài neo đậu tàu thuyền tập trung ở Khu neo đậu Cửa Việt và Cửa Tùng đảm bảo an toàn, ngư dân các xã bãi ngang đã đưa thuyền lên xa bờ và giằng néo chắc chắn. Bên cạnh đó, công tác di dời dân cũng được các địa phương thực hiện nghiêm túc và kịp thời. Đáng chú ý là toàn tỉnh có 55 xã đã xảy ra các sự cố gián đoạn cung cấp điện, đặc biệt là có 2 vị trí cột đường dây 22Kv ở huyện Vĩnh Linh bị đổ nghiêng, 2 vị trí cột 22Kv ở huyện Hải Lăng bị gãy do cây đổ vào.
Mai Anh