Quảng Bình: Mưa bão trắng trời, nguy cơ ngập lụt trên diện rộng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 05:59, 15/11/2020
Sáng 15/11, do ảnh hưởng của bão số 13, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình liên tục xảy ra mưa to kèm gió lớn.
Tại khu vực huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, nước lũ lên và bắt đầu dâng cao.
Tính đến 7 giờ ngày 15/11, mực nước tại các trạm trên địa bàn tỉnh ở dưới báo động 1, riêng mực nước tại trạm Lệ Thủy trên báo động 1 là 0,15m.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 16 giờ ngày 15/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Thượng Lào.
Để đảm bảo an toàn về người và tài sản, các lực lượng chức năng và địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã thực hiện di dời gần 14.260 hộ/hơn 47.370 khẩu đến nơi an toàn.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn tỉnh Quảng Bình, nước lũ trên các sông bắt đầu dâng cao, riêng sông Kiến Giang tại huyện Lệ Thủy lên xấp xỉ báo động 3. Toàn tỉnh hiện có 400 ngôi nhà ngập, 28 bản, làng của 6 xã vùng biên giới bị ngập, chia cắt.
Hiện nay, với tình hình mưa rất to ở tỉnh Quảng Bình, nguy cơ lũ chồng lũ sẽ xảy ra với mức độ cao hơn, phức tạp hơn. Công tác ứng phó với mưa lũ đang được tỉnh Quảng Bình triển khai khẩn trương.
Nhiều tuyến phố ở Quảng Bình bị ngập lụt cục bộ
Cụ thể các huyện Lệ Thủy 19 khẩu/76 khẩu; Quảng Ninh 34 hộ/128 khẩu; Bố Trạch 404 hộ/1.566 khẩu; Ba Đồn 3 hộ/15 khẩu; Tuyên Hóa 119 hộ/404 khẩu; Minh Hóa 321 hộ/1.343 khẩu.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình cho biết để chủ động phòng chống bão số 13, trước đó đơn vị cũng đã kịp thời thông tin tình hình thời tiết, hướng dẫn các tàu thuyền vào nơi tránh trú bão
Các lực lượng Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cần triển khai ngay lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần về các địa bàn xung yếu sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn.
Các đơn vị, địa phương tiếp tục sơ tán người tại các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng ngập lụt sâu; yêu cầu người dân và các phương tiện không đi vào vùng nguy hiểm; không cho tàu thuyền ra khơi cho đến khi bão tan, không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia.
Các lực lượng chức năng và địa phương rà soát, nắm chắc thông tin người dân đang còn ở trong rừng, yêu cầu ra khỏi rừng hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn đề phòng lũ quét và sạt lở đất; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh, hàng hóa thiết yếu, nhất là ở các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ.
Mặc khác, nhân dân cần theo dõi sát tình hình mưa bão để chủ động các biện pháp phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra.
Mai Anh