Sử dụng hiệu quả nguồn chất đốt thân thiện với môi trường
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 09:30, 06/09/2018
(Moitruong.net.vn) – Mùn cưa, vỏ trấu, lõi ngô… trước đây đã được người dân dùng làm chất đốt. Nhưng hiện nay, với sự hỗ trợ của khoa học, công nghệ, nguồn nguyên liệu này được ép thành viên nén hoặc chế biến thành than hoạt tính để nấu nướng thông dụng, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Sản xuất than ép từ mùn cưa tại Công ty TNHH BBQ Home Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, có nguồn năng lượng sinh khối khổng lồ như rơm rạ, vỏ trấu, lõi ngô… Tại Hà Nội, ngoài phế phẩm từ sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn còn có hàng chục làng nghề chế biến lâm sản, sản xuất đồ mộc, mây tre giang đan, chẻ tăm hương… nên phế phẩm từ quá trình sản xuất khá lớn và hầu hết đều không được sử dụng, rất lãng phí.
Trong khi đó, Công ty TNHH BBQ Home Việt Nam là đơn vị chuyên cung ứng ra thị trường sản phẩm than ép sử dụng nguyên liệu từ mùn cưa. Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH BBQ Home Việt Nam cho hay, sau khi nhận chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, đơn vị đã thu mua mùn cưa về sàng lọc, loại bỏ tạp chất, rồi chuyển qua hệ thống máy ép thành từng ống gỗ dài 20cm. Tiếp đến, sản phẩm được đưa vào lò đốt “than hóa” và đưa vào môi trường thiếu ôxy (yếm khí) trong vòng 15 ngày để loại bỏ chất độc hại, tạo thành than sạch.
Sản phẩm than ép có nhiều ưu điểm: Thời gian cháy lâu, không mùi, không khói, nhiệt lượng cao, tỏa đều, rất tiện lợi khi dùng nướng thức ăn, sưởi ấm… Hiện nay, Công ty TNHH BBQ Home Việt Nam sản xuất được hơn 100 tấn than ép/tháng, chủ yếu xuất khẩu, lượng than tiêu thụ trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 10 tấn/tháng.
Ngoài ép than, các loại củi, vỏ trấu, mùn cưa, lõi ngô… còn được tái sử dụng hiệu quả nhờ ép thành các viên nén hoặc thanh củi. Thạc sĩ Đỗ Đức Khôi, Giám đốc Trung tâm Dân số, Môi trường và Phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam), đồng thời là nhà sáng chế và sản xuất nhiều loại bếp thân thiện với môi trường cho biết: Viên nén hoặc than hoạt tính là nguyên liệu dễ bén lửa, có thành phần tự nhiên nên khi đun đốt tỏa ra mùi dễ chịu, khả năng duy trì cháy lâu.
“Hiện nay chúng tôi đang cung ứng ra thị trường 5 loại bếp cải tiến, sử dụng nhiều loại nhiên liệu khác nhau như củi, kèm thêm vỏ trấu, lõi ngô, mùn cưa… rất dễ sử dụng, tiết kiệm chi phí, giảm khói bụi. Quá trình đun bếp còn tạo ra than sinh học dùng để ủ với phân chuồng, bón cho cây trồng. Vì thế, các bếp này rất thích hợp sử dụng ở khu vực nông thôn. Riêng với bếp ĐK-T4 sử dụng nhiên liệu là viên nén mùn cưa còn thích hợp với hộ gia đình ở đô thị, kinh doanh ăn uống nhỏ, chế biến lương thực, thực phẩm” – ông Khôi cho biết.
Theo Chủ tịch UBND xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) Bùi Hồng Luyến, địa phương có nghề mây tre đan xuất khẩu đang thu hút khoảng 2.000 hộ gia đình tham gia. “Phế thải từ quá trình sản xuất gồm mùn cưa, nứa, mây, tre… rất dễ cháy, nhưng người dân địa phương không tận dụng để đun nấu mà đốt bỏ, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường. Ba năm trở lại đây, các phế thải này đã được một số gia đình thu gom để bán cho cơ sở ép thành củi, không những có thêm thu nhập, mà còn giảm ô nhiễm môi trường làng nghề” – ông Luyến cho biết.
Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, đơn vị đang tập trung triển khai nhiệm vụ hạn chế và tiến tới đẩy lùi bếp than tổ ong vào năm 2020…
Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về tác hại của việc sử dụng bếp than tổ ong, Chi cục đã phối hợp với các nhà sản xuất bếp thân thiện với môi trường, sử dụng chất liệu đun bếp là các viên than nén để tuyên truyền, giới thiệu cho người dân dùng thử. Với nguồn nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường, người dân có thêm lựa chọn để thay thế than tổ ong, góp phần vào việc tái sử dụng các phế phẩm một cách hiệu quả và bảo vệ môi trường bền vững…
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt hiện nay là làm thế nào để nhân rộng những thành quả của những nghiên cứu nêu trên trong đời sống mới.
Nguyễn Mai/HNM