Làm sao giảm thiểu thảm họa lũ quét, sạt lở núi?

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:00, 17/01/2021

Moitruong.net.vn – Sáng 16/1, tại TP.Hội An (Quảng Nam), Tổng Hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo: “Thiên tai lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền Trung, nguyên nhân và giải pháp giảm thiểu”.

Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp ở Việt Nam và đặc biệt các tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi…, trong năm 2020, mưa bão đã làm hàng trăm người chết và hiện còn mất tích, nhà cửa bị vùi lấp gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng.

Ông Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thông tin, năm 2020, đồng bào miền Trung hứng chịu thiên tai bão, lũ liên tiếp xảy ra trên diện rộng, với thời gian kéo dài, cường độ rất mạnh, vượt mức lịch sử. Đặc biệt, nhiều vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng tại: Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 (tỉnh Thừa Thiên – Huế); Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (tỉnh Quảng Trị); Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và Phước Lộc, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam)… cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sĩ. Tháng 10.2020, sạt lở đất và lũ quét gây thiệt hại ước tính trên 30 nghìn tỉ đồng…

Hội thảo lần này, sẽ đánh giá toàn diện, sâu sắc tình hình thiên tai lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền Trung; kết quả điều tra nguyên nhân và thực trạng về công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả.

Từ đó, các chuyên gia thảo luận về các giải pháp phòng chống hiệu quả đã thực hiện; chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức bộ máy, lực lượng, cơ chế điều phối của các bộ, ngành, địa phương đối với công tác phòng, chống lũ quét, sạt lở đất.

Sạt lở núi ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam cuối tháng 10-2020 làm nhiều người chết, mất tích – Ảnh: Lê Trung

Ông Lê Trí Thanh – chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho biết ngay sau bão, lũ, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn.

“Đó là những giải pháp tạm thời, trước mắt, chưa có một nghiên cứu tổng thể, đề xuất được các giải pháp kỹ thuật khả thi để giảm thiểu lũ quét, sạt lở” – ông Thanh nói.

Theo đại diện Sở NN&PTNT Quảng Nam, cần chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như rà soát cụ thể các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để xây dựng bản đồ cảnh báo với tỉ lệ phù hợp, tối thiểu tỉ lệ 1/5.000 đối với cấp huyện và tỉ lệ 1/2.000 đối với cấp xã.

Thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm tự động tại các khu vực được dự báo có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, giám sát chuyên dùng, công cụ hỗ trợ trong ứng phó.

Và đặc biệt tổ chức khôi phục hệ sinh thái rừng tự nhiên, trồng rừng để tăng diện tích rừng tự nhiên, hạn chế, không trồng rừng sản xuất ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Nhật Mai

Nhật Mai