200 sông băng ở Greenland co lại
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:30, 15/01/2021
Twila Moon, chuyên gia tại Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết Quốc gia Mỹ (NSIDC), cùng đồng nghiệp xem xét kỹ những thay đổi vật lý của 225 sông băng giáp biển hay nhánh băng hẹp chảy từ dải băng ra biển tại Greenland, Earth Observatory hôm 2/1 đưa tin. Họ phát hiện không sông băng nào vươn ra đáng kể từ năm 2000. Trong đó, 200 sông băng thậm chí còn co lại.
Dải băng bao phủ khoảng 80% Greenland với độ dày có thể lên tới 3 km. Khi chảy ra biển, các sông băng thường được bù đắp bằng lượng tuyết mới bị nén lại thành băng. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự cân bằng giữa quá trình tan chảy và bồi đắp đang thay đổi, tốc độ băng trôi tách ra từ sông băng cũng vậy. Do nhiệt độ biển và không khí tăng, dải băng đang giảm khối lượng ngày càng nhanh, lượng nước tan ra và chảy vào biển cũng tăng thêm.
Bản đồ sông băng ở Greenland do các vệ tinh đo đạc. Ảnh: Earth Observatory
“Môi trường ven biển ở Greenland đang trải qua sự biến đổi lớn. Chúng tôi đã thấy những khoảng biển và vịnh hẹp mới xuất hiện khi dải băng thu vào. Giờ chúng tôi còn có bằng chứng cho thấy các dòng nước ngọt thay đổi. Lượng băng giảm không chỉ ảnh hưởng đến mực nước biển mà còn thay đổi hình dạng đường bờ biển Greenland và hệ sinh thái ven bờ”, Alex Gardner, nhà khoa học nghiên cứu băng tuyết tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực thuộc NASA, giải thích.
Các sông băng rút lại có thể làm biến đổi dòng nước ngọt chảy dưới băng. Ví dụ, sông băng thay đổi về độ dày không chỉ do không khí ấm làm tan băng trên bề mặt mà còn do tốc độ chảy thay đổi. Cả hai trường hợp đều có thể dẫn đến những thay đổi về sự phân bố áp suất bên dưới băng. Điều này lại làm thay đổi dòng chảy dưới sông băng vì nước luôn chọn con đường ít bị cản trở nhất (nơi có áp suất thấp nhất).
Trích dẫn những nghiên cứu trước về hệ sinh thái Greenland, nhóm chuyên gia cũng lưu ý rằng dòng nước ngọt chảy dưới dải băng vận chuyển chất dinh dưỡng tới các đồng bằng và vịnh quanh Greenland. Bên cạnh đó, chúng chảy ra biển ở nơi băng và đá nền gặp nhau, thường ở sâu dưới mặt nước. Nước ngọt nổi lên, mang theo nước biển sâu giàu dưỡng chất nổi lên bề mặt.
Thực vật phù du sau đó có thể hấp thụ lượng dưỡng chất này. Dòng chảy hình thành do nước tan từ sông băng ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của thực vật phù du, nền móng của chuỗi thức ăn ở biển. Kết hợp với sự xuất hiện của những vịnh hẹp và khoảng biển mới do sông băng và thềm băng co vào, những thay đổi này dẫn tới việc môi trường địa phương biến đổi lớn.
Theo VnE