Liên hợp quốc: Các quốc gia còn cách rất xa mục tiêu Hiệp định khí hậu Paris
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 02:30, 02/03/2021
Đánh giá đầu tiên về cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các quốc gia trong thập kỷ tới, một thành phần quan trọng của Hiệp định khí hậu Paris, đã cho thấy rằng các quốc gia còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra.
Theo báo cáo do Liên hợp quốc công bố ngày 26/2, những cam kết về giảm lượng khí thải mà một số nước đưa ra đến nay trong khuôn khổ Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu sẽ chỉ giúp giảm chưa tới 1% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, một phần rất nhỏ trong số 45% lượng khí thải cần phải cắt giảm để tránh xảy ra thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra.
Số liệu trên cho thấy những thách thức mà các nhà đàm phán phải đối mặt khi họ nỗ lực đạt được các cam kết tham vọng hơn từ các nước phát thải lớn trước khi Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại thành phố Glasgow thuộc Scotland (Vương quốc Anh) vào tháng 11 tới. Đây được đánh giá là hội nghị quan trọng nhất về biến đổi khí hậu kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết năm 2015.
Nhận định về kết luận của báo cáo, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết: “Báo cáo tạm thời của UNFCCC được công bố là một báo động đỏ cho hành tinh của chúng ta. Nó cho thấy rằng các chính phủ còn lâu mới đạt đến mức tham vọng cần thiết để hạn chế biến đổi khí hậu ở mức 1,5 độ và đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris”.
Lượng khí thải CO2 vẫn không ngừng gia tăng
Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng năm 2021 là năm bản lề để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu.
“Khoa học đã rõ ràng, để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, chúng ta phải giảm lượng khí thải toàn cầu xuống 45% vào năm 2030, so với mức năm 2010”- ông Guterres nói.
Tổng thư ký cũng kêu gọi các quốc gia phát thải lớn “đẩy nhanh mục tiêu giảm phát thải” cho năm 2030 trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định của họ, nhấn mạnh rằng các kế hoạch kích thích kinh tế hậu đại dịch COVID-19 cung cấp khả năng “xây dựng lại xanh hơn và sạch hơn”.
Một số quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, bao gồm Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ, vẫn đang xây dựng kế hoách. Liên Hợp Quốc cảnh báo nếu 3 quốc gia này không trình được kế hoạch hành động, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Cop26 ở Glasgow vào tháng 11 tới sẽ thất bại.
“Năm 2021 là một năm tạm ổn để đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu. Báo cáo tạm thời lần này là một báo động đỏ cho hành tinh của chúng ta. Nó cho thấy các chính phủ không ở gần mức cần thiết để đáp ứng các mục tiêu của thỏa thuận Paris”, Tổng thư ký António Guterres cho biết.
Ngọc Ánh (t/h)