Đồng bằng sông Cửu Long: Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai cho cộng đồng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:00, 26/03/2021
Ngày 25/3, tại thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh đã diễn ra lễ ra mắt giai đoạn 2 dự án “Tăng cường khả năng phòng ngừa và ứng phó với thiên tai của cộng đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Mục tiêu của giai đoạn này nhằm nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai cho cộng đồng dễ bị tổn thương tại hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. Dự án do Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện, được Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BfdW) và Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV) đồng tài trợ với tổng ngân sách là hơn 38 tỷ đồng.
Kết quả Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long do Quỹ AFV thực hiện năm 2017 khẳng định thêm rằng, các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và An Giang là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Trong 10 năm qua, khoảng 1,7 triệu người đã phải di cư khỏi những cánh đồng, sông ngòi và kênh rạch rộng lớn. Nước biển dâng cao sẽ khiến 45% diện tích đất bị nhiễm mặn và thiệt hại về mùa màng. Hơn 90% trong tổng số 1.028.800 ha đất canh tác bị đe dọa.
Trong khuôn khổ dự án sẽ diễn ra các chương trình diễn tập, thực hành phòng, chống bão
và lốc xoáy tại cộng đồng. (Ảnh: AAV)
Trước tình hình đó, dự án “Tăng cường khả năng phòng ngừa và ứng phó với thiên tai của cộng đồng ở đồng bằng sông Cửu Long” tập trung vào tăng cường khả năng phục hồi trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu của các cộng đồng dễ bị tổn thương. Dự án cũng hướng tới lồng ghép các khuyến nghị, kinh nghiệm của tổ chức xã hội trong quản lý thiên tai vào chính sách quốc gia của các nước trong khu vực.
Với hai mục tiêu trên, dự án sẽ tập trung giải quyết ba vấn đề. Đó là nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai của cộng đồng; xây dựng các mô hình nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu; lồng ghép kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong chính sách và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Trong giai đoạn 1, từ tháng 1 năm 2017 đến tháng 12 năm 2018, với ngân sách 491.000 EUR từ BfdW và 55.000 EUR từ AAV, dự án đã góp phần xây dựng kế hoạch quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng tại sáu xã/phường và hai huyện/thành phố; cải thiện sinh kế của 60 hộ tham gia mô hình sản xuất rau hữu cơ trong nhà lưới; thiết lập cơ chế dự báo tình hình thiên tai và áp dụng cơ chế phối hợp trong ứng phó với thay đổi của môi trường.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ kéo dài ba năm, với gói tài trợ 700.000 EUR từ BfdW và 124.000 EUR từ AAV. Dự kiến sẽ có khoảng 13.900 người hưởng lợi trực tiếp và 20.000 người hưởng lợi gián tiếp.
Địa bàn triển khai dự án tại sáu xã, phường dự án thực hiện ở hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. Theo tính toán, khoảng 6.000 hộ gia đình dễ bị tổn thương sẽ giảm tổn thất và thiệt hại (về đất nông nghiệp và thổ cư, đường bộ, tài sản) do các thảm họa thiên tai và biến đổi khí hậu.
Khoảng 200 hộ sẽ hưởng lợi từ các mô hình sinh kế thay thế thích ứng với biến đổi khí hậu do dự án giới thiệu, 100 hộ gia đình sẽ áp dụng các mô hình sinh kế thay thế thích ứng với biến đổi khí hậu mà không có sự hỗ trợ tài chính của dự án.
Hoàng An