Biến đổi khí hậu có thể khiến kinh tế toàn cầu thêm “liêu xiêu”
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:33, 20/03/2021
Các nhà nghiên cứu của DARA và CVF cho rằng các nước đang phát triển sẽ là nạn nhân lớn nhất của biến đổi khí hậu do những nước này thường phụ thuộc vào nông nghiệp, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tai, làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng, nghèo đói và bệnh tật.
Các tác giả thực hiện nghiên cứu đã sử dụng trí thông minh nhân tạo để mô phỏng tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu tới xếp hạng tín dụng của Standard & Poor’s cho 108 quốc gia.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nếu không có các chính sách nghiêm ngặt về khí hậu, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và Liên minh châu Âu (EU) có thể bị hạ đánh giá. Hơn 60 quốc gia có thể bị xếp hạng thấp hơn vào năm 2030.
Do đó, chi phí dùng để trả nợ hàng năm của các chính phủ có thể tăng từ 137 tỷ USD đến 205 tỷ USD vào năm 2100 theo kịch bản cho thấy hành tinh sẽ ấm lên tới 5 độ C. Việc tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu bằng cách thực hiện theo lộ trình hạn chế mức tăng nhiệt độ xuống dưới 2 độ C vẫn có thể khiến con số đó tăng tới 33 tỷ USD.
Chi phí “đội thêm” cho các doanh nghiệp trong khoảng 7,2 tỷ USD trong trường hợp tốt nhất và 62,6 tỷ USD trong trường hợp xấu nhất.
Biến đổi khí hậu có thể khiến giá lương thực tại châu Phi tăng khoảng 12% trong năm 2030 và 70% trong năm 2080
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho hay tại châu Phi, khu vực nghèo nhất nhất thế giới. Đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào các quốc gia châu Phi, nơi chi phí thực phẩm chiếm tới hơn 60% tổng chi tiêu của các hộ gia đình nghèo nhất.
Các ước tính được đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới cảnh báo rằng các thị trường tài chính đang đánh giá thấp rủi ro của biến đổi khí hậu đối với giá tài sản.
Trong khi những quốc gia đang phát triển đau đầu với vấn đề biến đổi khí hậu thì những nước đã phát triển như Mỹ và Trung Quốc cũng không tránh khỏi “vòng ảnh hưởng”. Theo nghiên cứu của DARA và CVF, hiện tượng thời tiết cực đoan kể trên có thể tước đi 2% GDP của Mỹ và 1.200 tỷ USD của Trung Quốc đến năm 2030.
Tuy nhiên, với những tác động không đồng đều tại mỗi khu vực trên thế giới, biến đổi khí hậu nhiều khả năng sẽ gây ra hiện tượng bất bình đẳng trên toàn cầu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng năng suất nông nghiệp đạt mức cao nhất khi nhiệt độ trung bình đạt ngưỡng 55 độ F (tương đương 13 độ C). Điều đó có nghĩa là hiện tượng này sẽ giúp cải thiện tình hình sản xuất tại những nước thuộc vùng lạnh ở phía Bắc song lại gây hại đến các nước trong vùng nhiệt đới.
Biến đổi khí hậu đang là một vấn đề nhức nhối của thế giới và nhận được sự quan tâm ngày càng cao hơn từ các quốc gia lớn. Tới giờ, mới có khoảng 180 quốc gia, chiếm hơn 90% lượng khí phát thải toàn cầu, công bố cam kết giảm khí thải.
Ngọc Linh