Kiên Giang: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 04:00, 11/09/2018

Tổng cục Hải quan: Tổng đài đường dây nóng hợp nhất đầu số

(Moitruong.net.vn) – Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện “Ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

>>>Huế: Sau mưa lớn, cá trên sông An Cựu chết trắng

>>>Loài vẹt đuôi dài Spix, nổi tiếng trong phim Rio chính thức tuyệt chủng

Hội thi về bảo vệ môi trường.

Tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật giúp kiểm soát ô nhiễm môi trường

Điều chỉnh, bổ sung, ban hành các chủ trương, chính sách đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới phòng ngừa kiểm soát ô nhiễm môi trường, đầu tư trang thiết bị hiện đại về quan trắc môi trường. Đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hội nhập quốc tế.

Các địa phương đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến toàn diện của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân về trách nhiệm và hành động trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lồng ghép trong thực hiện các chương trình, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “chung sức xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động thực hiện “Lối sống xanh”, mô hình “sử dụng tiết kiệm năng lượng trong mỗi hộ gia đình”,… các tiêu chí về môi trường được vào các quy ước của ấp, khu phố, làm cơ sở cho người dân thực hiện.

Triển khai xây dựng 06 mô hình điểm “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu” trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hội thi “Vẽ tranh và làm mô hình tuyên truyền về bảo vệ môi trường” và “Ngày hội môi trường” cho học sinh các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh; triển khai tập huấn các nội dung có liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các sở, ngành và ban chỉ huy của 15 huyện, thị, thành phố; tổ chức diễn tập “phòng chống bão, triều cường và tìm kiếm cứu nạn” thành phố Rạch Giá; tổ chức trồng cây xanh và trồng rừng ngập mặn tại các khu vực như Kiên Lương, An Minh.

Tỉnh đã thực hiện công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, sự cố môi trường và giám sát biến đổi khí hậu, trên khu vực tỉnh Kiên Giang hiện có 03 trạm khí tượng; 03 trạm thủy văn cấp 3; 02 trạm hải văn; 17 trạm đo mực nước và mưa tự động; 07 trạm đo mưa nhân dân, 01 trạm đo mưa tự động; 06 trạm đo mặn vào mùa khô.

Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục thực hiện Dự án “Tăng cường dự báo thời tiết và hệ thống cảnh báo sớm” (Kiên Giang có 08 trạm đo mực nước, đo mưa tự động); Dự án “Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Đẩy mạnh phòng chống hạn chế tác động của triều cường

Cùng với đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh phòng chống hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng. Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, hạn hán, xói lở bờ biển, xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tiếp tục được quan tâm.

Các dự án thích ứng giảm nhẹ biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực thủy lợi tiếp tục được hoàn thiện với hệ thống kênh trục dẫn nước ngọt, thoát lũ và tiêu nước được nối từ sông Hậu với kênh Rạch Giá-Hà Tiên thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên, với sông Cái Lớn, Cái Bé thuộc vùng Tây Sông Hậu và các tuyến kênh trục vùng U Minh Thượng và hệ thống kênh cấp 2 và thủy lợi nội đồng đã được hoàn thành cơ bản; tuyến đê biển với 30/51 cống đã hoàn thành, 06 cống đang thi công tại khu vực kênh Cụt, vàm Bà Lịch; hoàn thành nạo vét kênh mương phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, đắp đập ngăn mặn; gây bồi, tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển từ Bình Sơn đến Bình Giang, huyện Hòn Đất và xã Nam Thái, huyện An Biên.

Khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Kiên Giang, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống xói lở bờ biển và hỗ trợ nuôi trồng thủy sản ở huyện An Minh, An Biên…

Thực hiện Chương trình “Thoát nước và chống ngập úng tại các đô thị quy mô vừa vùng duyên hải Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2 tại thành phố Rạch Giá; song song đó tiếp tục huy động, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật cho các dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu, sự cố nước biển dâng, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng được quan tâm và đẩy mạnh thực hiện.

Tỉnh đã triển khai Đề án “Bảo vệ môi trường và hệ sinh thái đặc thù”; dự án “Điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030”; thành lập Khu bảo tồn loài-sinh cảnh Phú Mỹ thuộc huyện Giang Thành trên cơ sở dự án khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp với bảo tồn nghề thủ công địa phương tại xã Phú Mỹ với có tổng diện tích gần 2.900ha.

Tỉnh đang xây dựng đề án hệ thống quan trắc đa dạng sinh học, các dịch vụ hệ sinh thái; xây dựng các chỉ thị quan trắc đa dạng sinh học và hệ thống cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, các dịch vụ hệ sinh thái.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, thành lập Ban điều hành thực hiện kế hoạch, xây dựng các dự án cơ sở, xây dựng quy chế phối hợp giữa chủ rừng với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương…

Đến nay, đã xây dựng và triển khai Dự án đầu tư trồng rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu Kiên Giang và Dự án bảo vệ và phát triển rừng bền vững tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2015-2020.

Sinh viên trường Đại học Kiên Giang chung tay giữ màu xanh của biển.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã tranh thủ nguồn vốn tài trợ của các tổ chức nước ngoài như tổ chức quốc tế GIZ, VCF để xây dựng các mô hình, tập huấn, mua sắm phương tiện và trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, tài nguyên, khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng tài nguyên cơ bản hợp lý, hiệu quả. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép từng bước được ngăn chặn.

Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được quan tâm chú trọng; việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã gắn liền với công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đem lại hiệu quả thiết thực. Công tác quản lý nhà nước về đất đai cũng được tăng cường theo hướng chặt chẽ hiện đại; tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất cơ bản được khắc phục.

Trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan đơn vị và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Nâng cao hiệu quả bảo vệ tài nguyên (đất, nước, khoáng sản, rừng,…); tăng cường chế biến sâu khoáng sản; bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng phòng hộ, chấm dứt việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường, tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng có lồng ghép các mục tiêu, tiêu chí của chiến lược bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo đặc thù ngành. Triển khai các chương trình dự án đa dạng sinh học, khu bảo tồn thiên nhiên, đánh giá mức độ, kịch bản của biến đổi khí hậu và những tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Kiểm soát chặt chẽ nguồn thải phát sinh. Đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu đô thị trọng điểm. Tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện đưa vào sử dụng hệ thống quan trắc, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, đa dạng sinh học.

Triển khai rà soát, đánh giá công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn để có phương án, giải pháp xử lý hiệu quả. Dự án đầu tư mới trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp phải áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường hoặc ứng dụng công nghệ sạch thân thiện với môi trường.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi, hoạt động khai thác trái phép tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; tập trung kiểm soát chặt chẽ các khu vực khai thác khoáng sản, khu công nghiệp. Đình chỉ di dời đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Quốc Tuấn