Nông dân Ấn Độ trồng hoa oải hương phòng chống hạn hán
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:00, 18/04/2021
Từ cuối tháng 6, những cánh đồng hoa ở bang Jammu và Kashmir lại rực rỡ, với màu tím của hoa oải hương, cùng họa tiết rực rỡ trên trang phục truyền thống kameez salwar của phụ nữ miền Tây Bắc Ấn Độ. Trong khoảng 30 ngôi làng cheo leo, nằm dọc theo sườn đồi của huyện Doda ở Jammu, hơn 200 nông dân đã chuyển hẳn từ trồng ngô sang sản xuất hoa oải hương từ vài năm nay.
“Cuộc cách mạng màu tím”, như cách nói khoa trương của người dân Jammu, khởi phát từ một nông dân 43 tuổi Bharat Bhushan. Là một người đam mê nghiên cứu và khao khát giúp bà con thoát khỏi cái nghèo, anh dành nhiều tâm sức để tìm ra loài cây vừa phù hợp với thổ nhưỡng bang, vừa đem lại lợi ích kinh tế lâu dài và có thể đương đầu với biến đổi khí hậu.
Cây hoa oải hương không cần tưới quá nhiều nước. (Ảnh: Guardian)
Tại ngôi làng Lehrote, Bhushan thử nghiệm nhiều hạt giống, trước khi giật giải thưởng danh giá về canh tác sáng tạo từ Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ nhờ hoa oải hương.
Ưu điểm lớn nhất, trong việc phát triển kinh tế bang, là tín đồ Hồi giáo chiếm đa số ở Jammu và Kashmir – bang duy nhất ở Ấn Độ tồn tại điều này. Khi xác định hoa oải hương là cây trồng chính nông dân, Bhushan không gặp mấy khó khăn thuyết phục bởi niềm tin của những người theo đạo. Họ nhanh chóng bị thuyết phục, bởi oải hương là cây chịu hạn tốt, có thể trồng trên đất cằn, ưa nhiều nắng và cần ít nước.
“Tôi bắt đầu trồng hoa oải hương từ năm 2010, nhưng lúc ấy mới ở dạng thử nghiệm và chơi là chính. Nhờ sự khuyến khích của Viện Y học Tích hợp Ấn Độ Jammu, tôi cùng hơn 10 hộ nông dân ban đầu chỉ dùng phân bò kiếm trong làng để tưới cây.
Là loại cây dễ trồng, không cần tưới nhiều, chúng tôi kiếm lời gấp bốn lần so với trồng ngô chỉ trong vòng hai năm. Thấy tôi thành công, nhiều người làm theo, và hiện có hơn 500 nông dân quanh làng là thành viên của các nhóm trồng oải hương. Có lẽ, họ đã nhận ra tiềm năng và cơ hội thoát nghèo từ loài cây này”, Bhushan kể.
Cơ duyên đến với hoa oải hương của Bhushan khởi nguồn từ cảm hứng trong một cuộc họp video với Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, và Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp (CSIR).
Hồi năm 2016, Chính phủ Ấn Độ đề ra chương trình khuyến khích những người nông dân bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nghiên cứu trồng những loại cây có giá trị xuất khẩu cao như hoa oải hương, hương thảo, sả, và một số loại cây thuốc như withania somnifera (sâm Ấn Độ)…
Tận dụng nguồn tiền chính sách, Ấn Độ cam kết về giống, và tìm đầu ra cho người dân, miễn là họ tìm được một cộng đồng có thể trồng trên diện rộng, thường khoảng 50 hộ. Sau khi kiểm tra tiến độ trồng trọt, và thành phẩm dầu (chiết suất từ oải hương, sả), Chính phủ sẽ giúp nông dân tìm người mua.
Trong vòng 5 năm, ngôi làng Lehrote như thay da đổi thịt. Từ chỗ bị cái đói thường xuyên đe dọa bởi hạn hán, sâu bệnh và thiếu phân bón, ngôi làng trở thành một trung tâm sản xuất và chưng cất hoa oải hương. Bản thân Bhushan còn tự nhân giống và thiết lập hai vườn ươm trong khu vực, đồng thời trang bị nhiều máy móc hiện đại để chiết xuất dầu.
“Điều tuyệt vời nhất của việc chuyển đổi sang trồng hoa oải hương, là nhiều phụ nữ ở các làng gần đây được tham gia. Họ vốn không được phép đi làm ăn xa, và thường mất quyền tự chủ trong gia đình vì không làm ra kinh tế. Nay với hoa oải hương, phụ nữ cũng có thể mang về những món tiền giá trị”, Bhushan chia sẻ.
Sumeet Gairola, nhà khoa học cấp cao của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ cho biết: “Oải hương là loại cây trồng có nguồn gốc từ châu Âu, và đã được thuần hóa ở các vùng ôn đới của bang Jammu và Kashmir như Doda, Kishtwar và Rajouri bởi CSIR. Từ năm 2017, 5 phòng thí nghiệm trên khắp Ấn Độ đã được thành lập, với mục tiêu giúp nông dân trồng 20 loại cây thuốc và hương liệu trên 6.000 ha. Oải hương nằm trong đề án ấy”.
Do đặc tính dễ trồng, hoa oải hương sớm trở nên phổ biến với nông dân. Theo Gairola, thu nhập từ trồng hoa oải hương tốt hơn nhiều so với các loại cây như ngô. Một ha đất có thể tạo ra 30 đến 45 lít dầu oải hương. Bên cạnh đó, là tính bền vững. Hiếm loại cây nào có thể chống chịu tốt với hạn hán, cũng như biến đổi khí hậu tốt như loài hoa này.
Với xuất phát điểm là loài cây xen canh trong những vườn táo, oải hương dần vươn ra khỏi Kashmir. Nông dân từ các bang phía Bắc khác như Uttarakhand, Nagaland và Assam bắt đầu thử nghiệm loài cây này, khiến hình ảnh những bông hoa màu tím dần trở nên phổ biến tại miền Bắc Ấn Độ.
Thanh Tú