TP.HCM: Quyết tâm xử lý rác thải và mùi hôi
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:00, 19/09/2018
(Moitruong.net.vn) – Phương pháp xử lý chất thải rắn hiện nay của TP.HCM đa phần vẫn là chôn lấp, gây lãng phí tài nguyên đất, tài nguyên rác, ảnh hưởng đến môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí…
Hà Nội: sẽ xây dựng thành phố thông minh
Phú Yên: Kiểm tra và xử lý tình trạng khai thác đá đen
Nhà khoa học thử nghiệm chế phẩm khử mùi trên đỉnh rác Đa Phước
Theo lãnh đạo Sở TM&MT, TP.HCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ có vị trí quan trọng của cả nước; đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực và Đông Nam Á. Cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội mạnh mẽ, lượng chất thải rắn phát sinh cũng không ngừng gia tăng. Và UBND TP.HCM quyết tâm đẩy mạnh về xử lý rác thải và mùi hôi.
Số lượng rác thải gia tăng mỗi ngày
Theo ước tính năm 2017 của Sở TM&MT, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 9.000-9.500 tấn/ngày. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 8.900 tấn/ngày đêm, chất thải rắn xây dựng khoảng 1.500 tấn/ngày đêm. Lượng chất thải nguy hại phát sinh cũng có xu hướng gia tăng, ước tính khoảng 150.000 tấn năm (trung bình 350-400 tấn/ngày), trong đó chất thải nguy hại y tế khoảng 6.300 tấn (trung bình 17 tấn/ngày).
Theo dự báo, tỉ lệ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt ước khoảng 5-6%/năm. Cụ thể, vào năm 2020 là 10.081 tấn/ngày và 2025 là 12.864 tấn/ngày); chất thải rắn công nghiệp của năm 2020 là 1.922 tấn/ngày và 2025 là 2.497 tấn/ngày; chất thải nguy hại sẽ tăng cỡ 8%/năm (2020 là 549 tấn/ngày và 2025 là 807 tấn/ngày); chất thải rắn y tế tăng 10%/năm (2020 là 30 tấn/ngày và 2025 là 50,5 tấn/ngày).
Trước áp lực gia tăng lượng rác khổng lồ này, TP.HCM đặt ra mục tiêu đến 2020, tỉ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%, đến năm 2025 tối đa là 20%.
Rác thải và mùi hôi, càng ngày càng căng thẳng…
Khi nhắc đến rác thải, ắt tự nhiên sẽ liên tưởng đến mùi hôi của rác. Và khi mùi hôi làm ảnh hưởng đến đời sống mọi người, cộng đồng sẽ nhanh chóng “kêu gào và than thở… đến chính quyền các cấp”.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu điều tra nguồn phát sinh ô nhiễm. Sở TN&MT hiện đã khoanh vùng, xác định có khả năng phát sinh mùi lớn nhất ở Đa Phước (Bình Chánh), gồm có ba đơn vị có liên quan: Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước), Công ty Xử lý bùn Sài Gòn Xanh và đơn vị có chức năng xử lý chất thải hầm cầu Hòa Bình. Sở TN&MT TP.HCM sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở này.
Trong khi đó, theo một chuyên gia hóa học có kinh nghiệm xử lý về ô nhiễm môi trường, cho biết việc người dân phản ảnh mùi hôi là không sai. Theo chuyên gia này, không riêng gì rác thải, các mùi như mùi phân, mùi bùn, mùi phân hủy hữu cơ lâu ngày… cũng sinh ra nhiều khí H2S và mercaptans, chúng rất hôi và rất dễ phát tán đi xa vì tỉ trọng của nó nhẹ hơn không khí, nhất là vào mùi mưa giông và nhiệt độ không khí xuống thấp.
“Hầu hết các phương pháp xử lý chủ yếu là phải phân hủy hiếu khí (aerobic biodegrading) sinh ra chủ yếu là NH3 và H2S rất hôi thối nếu không có giải pháp xử lý đồng bộ… Do đó, cần thiết phải có tổ chức xác minh làm rõ và chứng minh bằng khoa học, tìm những giải pháp trong có có giải pháp kỹ thuật thích hợp, đảm bảo môi sinh, môi trường thành phố”, vị này nói.
TP.HCM ưu tiên xử lý chuyện rác thải và mùi hôi
TP.HCM: Quyết tâm xử lý câu chuyện rác thải và mùi hôi – ảnh 2 Các nhà khoa học đang thu thập mẫu khí trên đỉnh rác Đa Phước (vào cuối tháng 7-2018)
Trước các vấn nạn trên, UBND TP.HCM đã có nhiều quyết sách liên quan đến việc xử lý rác thải, mùi hôi cho thành phố. Mới đây, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt rác – phát điện đến năm 2025”.
Tại hội nghị, đại diện UBND TP.HCM cho biết: Bên cạnh việc xử lý lượng rác tăng thêm, thành phố kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề công nghệ, nghiên cứu phương án đầu tư để xử lý cả lượng rác thải đã chôn lấp từ trước đến nay. UBND TP.HCM yêu cầu triển khai các giải pháp đồng bộ trong duy tu, bảo dưỡng bãi chôn lấp chất thải sau khi ngưng tiếp nhận, khuyến khích xã hội hóa việc tái chế và sản xuất điện năng từ các bãi chất thải đã được chôn lấp trong các năm qua và ưu tiên các giải pháp tái sử dụng bãi chôn lấp đã đóng bãi phục vụ lợi ích cộng đồng; đề nghị các nhà máy xử lý rác thải đang hoạt động khẩn trương đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp đổi mới công nghệ.
PGS-TS Phùng Chí Sỹ (Trung tâm Công nghệ và Môi trường – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cũng đã giới thiệu công nghệ xử lý rác bằng phương pháp đốt điện được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Phương pháp này giảm được 90%-95% thể tích và khối lượng chất thải, có thể tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát thải khí nhà kính…
Tuy nhiên, để triển khai được, Nhà nước phải có nhiều chính sách hỗ trợ như các chính sách ưu đãi về đất đai, ưu đãi về phí, thuế… để thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này.
UBND TP.HCM cho biết sẽ tổ chức đấu thầu công khai để đảm bảo cơ hội cho tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia minh bạch và có những chính sách ưu đãi để nhà đầu tư an tâm đầu tư lâu dài; hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp có đầu tư vào lĩnh vực này.
Cuối tháng 7 vừa qua, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đã phối hợp cùng chuyên gia Bùi Văn Cứ – thuộc Phòng Thí nghiệm trọng điểm lọc, hóa dầu – Bộ Công Thương, Trung tâm Phân tích môi trường, các nhà khoa học ở Hội hóa học Việt Nam và Hội hóa học TP.HCM… tổ chức tiến hành thử nghiệm sử dụng chế phẩm khử mùi kết hợp chế phẩm khử mùi không khí từ trái bơ và chế phẩm sản xuất từ Hoa Kỳ.
Theo đó, đoàn đã lấy mẫu không khí trên đỉnh của bãi rác Đa Phước để kiểm tra hàm lượng khí thải gây mùi hôi thối NH3 và H2S. Các mẫu không khí được lấy trong các điều kiện sau: Mẫu không khí xung quanh (lấy ngay tại bên trong khuôn viên của bãi rác Đa Phước, theo quy định lấy bên ngoài khuôn viên); Mẫu không khí tại điểm tiếp nhận rác, trong điều kiện có sử dụng chế phẩm khử mùi kết hợp; Mẩu khí ngay tại điểm tiếp nhận rác, trong điều kiện không sử dụng chế phẩm.
Kết quả phân tích các mẫu khí trên của Trung tâm Phân tích Môi trường và Phòng thí nghiệm – Công ty Tư vấn Môi trường Sài Gòn cho thấy: Mẫu khí xung quanh đạt so với QCVN 06:2009/BTNMT H2S (0,031 mg/m3 so với 0,042 mg/m3 QCVN 06:2009/BTNMT); NH3 (0,19 mg/m3 so với 0,20 mg/m3 QCVN 06:2009/BTNMT); Mẫu khí ngay tại điểm tiếp nhận rác trong điều kiện có sử dụng chế phẩm khử mùi kết hợp (không có quy chuẩn áp dụng) nhưng kết quả thử nghiệm rất thấp: H2S (0,032 mg/m3) NH3 (0,248 mg/m3)…
Theo chuyên gia Bùi Văn Cứ, qua các kết quả đo đạc và phân tích cho thấy môi trường không khí xung quanh tại thời điểm đo đạc có kết quả tốt. Kết quả H2S đo được là 0,094 mg/m3 là giá trị thấp. “Điều này có thể kết luận việc xử lý rác tại VWS đạt hiệu quả cao, mùi khó phát tán đi xa, khí thải H2S rất dễ phát đi xa vì có tỉ trọng cao hơn không khí. Ngược lại NH3 rất khó phát đi xa vì tỉ trọng rất thấp so với không khí và có khuynh hướng phát lên cao. Giá trị đo giữa không có sử dụng và có sử dụng chế phẩm khử mùi chênh lệch cao, điều này chứng minh hiệu quả xử lý tốt”, ông Cứ nói.
Đồng tình với việc phải “khoanh vùng” các cơ sở phát tán mùi để có biện xử lý phù hợp, đại diện lãnh đạo VWS nói: “Trong khi chúng tôi luôn nỗ lực để vừa xử lý nhanh lượng rác chuyển về mỗi ngày, vừa triển khai các biện pháp ngăn chặn ô nhiễm trong quá trình xử lý rác thì khu vực xung quanh chúng tôi đang tồn tại nhiều cơ sở dịch vụ vệ sinh, xử lý chất thải mà công tác bảo vệ môi trường không biết được chú trọng thế nào. Chính quyền cần có kiểm tra, đánh giá cụ thể để trả lại công bằng cho chúng tôi”.
Phi Nguyễn/PLTPHCM