Triển vọng mới cho xử lý rác thải nhựa biển của Việt Nam
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:30, 19/09/2018
(Moitruong.net.vn) – Theo xếp hạng lượng rác thải nhựa phát sinh từ đất liền xuống biển do Nhật Bản ước tính năm 2010, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra biển với khoảng 730.000 tấn/năm.
>>Việt Nam: Gỡ rào cản cho sản xuất vật liệu xanh
>>Quy Nhơn: Tiến hành nạo vét khu lấn biển
Bãi thu gom rác thải nhựa tái chế
Riêng đối với rác thải nhựa đại dương, tại Đại hội Môi trường của Liên hợp quốc (UNEA3) vào tháng 12/2017, các nước đã thông qua nghị quyết về “Rác thải nhựa đại dương và microplastic (vi nhựa),” quyết định triệu tập hội nghị nhóm các chuyên gia để khảo sát chi tiết hơn về các trở ngại và các lựa chọn nhằm ứng phó với rác thải nhựa đại dương và vi nhựa.
Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng môi trường các nước G7 diễn ra tại Tomiyama, Nhật Bản năm 2016, các bộ trưởng đã cam kết thực hiện năm giải pháp ưu tiên. Một trong số đó là “Tiêu chuẩn hóa và hài hòa các phương pháp giám sát vi nhựa.” Các nước cũng nhất trí để Nhật Bản đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện hoạt động này.
Triển vọng hợp tác và kinh nghiệm từ Nhật Bản
Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi cho biết hiện Nhật Bản là một trong những nước đi đầu về xử lý rác thải nhựa đại dương. Nhật Bản cũng cho thấy họ hoan nghênh và ủng hộ sáng kiến thiết lập một khuôn khổ hợp tác chung trong khu vực Đông Á về giải quyết rác thải nhựa đại dương.
Thực tế, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 diễn ra vào tháng 6/2018 tại Đà Nẵng (GEF6), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã đề xuất dự án cấp khu vực về vấn đề rác thải nhựa đại dương, trong đó có nhiều nội dung Nhật Bản có thể hỗ trợ khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng về vấn đề này. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang đề xuất phía Nhật Bản các chương trình nhằm tăng cường hợp tác khoa học, điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển tại Việt Nam, đặc biệt là tại những vùng biển sâu, biển xa.
Đầu tháng Chín vừa qua, tại Hội thảo “Chính sách đại dương – Kinh nghiệm của Nhật Bản” tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Arata Takebe đã chia sẻ với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam về các chính sách quản lý rác thải đại dương của Nhật Bản.
Nhật Bản hiện đã áp dụng Luật xúc tiến xử lý rác thải trôi dạt vào bờ biển (ra đời năm 2009 và được sửa đổi năm 2018). Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đề ra định hướng cơ bản nhằm xúc tiến các giải pháp đối với rác thải trôi dạt vào bờ biển, các tỉnh căn cứ vào định hướng cơ bản để xây dựng kế hoạch xúc tiến các giải pháp đối với rác thải trôi dạt vào bờ biển.
Các cơ quan quản lý bờ biển Nhật Bản có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết để xử lý. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp tài chính cần thiết để xúc tiến các giải pháp đối với rác thải trôi dạt vào bờ biển.
Riêng đối với microplastic (vi nhựa), Nhật Bản đưa vào Luật trên nội dung Chính phủ phải nhanh chóng xem xét và thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế vi nhựa tại các khu vực địa phương. Trong trường hợp doanh nghiệp thải vi nhựa có chứa trong sản phẩm bằng phương pháp sử dụng thông thường ra sông thì doanh nghiệp đó phải hạn chế sử dụng vi nhựa cho sản phẩm đó và phải hạn chế phát thải nhựa thải.
Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản thực hiện hỗ trợ bằng tiền trợ cấp (ước tính mỗi năm 33 tỷ yen) đối với các tỉnh, huyện thực hiện giải pháp thu gom, xử lý, hạn chế phát sinh rác thải đại dương (rác thải trôi dạt, trôi nổi, rác thải đáy biển) theo kế hoạch của địa phương đó.
Ông Arata Takebe khẳng định vấn đề rác thải đại dương có chứa vi nhựa là vấn đề cấp bách. Đặc biệt, vi nhựa rất khó thu gom trên biển, có thể ảnh hưởng tới hệ sinh thái biển. Nắm bắt thực trạng là điều rất quan trọng, cần xem xét và thực hiện các giải pháp dựa trên tri thức khoa học. Tại các nước, người ta đang thực hiện khảo sát để nắm bắt thực trạng ô nhiễm vi nhựa, nhưng do phương pháp khảo sát khác nhau nên rất khó để so sánh các kết quả. Do đó, hài hoà các phương pháp giám sát và phát triển các phương pháp so sánh, đánh giá dữ liệu là điều cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản cũng đưa ra ví dụ về mô hình phát điện bằng công nghệ xử lý rác thải tại Nhật Bản. Theo đó, nhà máy phát điện bằng rác thải có hiệu quả tức thời đối với vấn đề cấp bách về xử lý rác thải đại dương. Trung bình 1 tấn rác có thể chuyển hoá thành 300-800 kwh điện năng…
Nỗ lực quản lý rác thải nhựa biển của Việt Nam
Tiến sỹ Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết rác thải nhựa chiếm tỷ lệ lớn trong tổng lượng rác thải biển. Thành phần chủ yếu gồm nhựa Polypropylen (nhựa PP), nhựa Polyetylen (nhựa PE) và nhựa Polyvinylclorua (nhựa PVC). Trong đó, 80% lượng rác thải nhựa biển hiện có nguồn gốc từ đất liền. Rác nhựa biển tác động nguy hại đến các hệ sinh thái, môi trường, sức khỏe và gây tác hại đến các hoạt động kinh tế biển.
Hiện Việt Nam chưa có một khuôn khổ chung hay một cơ chế, kế hoạch cụ thể cho những hoạt động, hành động giảm nhẹ rác thải nhựa ra biển và đại dương. Chưa có quy định rõ ràng về việc quản lý rác thải biển đặc biệt là quản lý rác nhựa biển; thiếu thông tin để đánh giá tác động của rác nhựa biển đối với các mô trường, kinh tế, sức khoẻ và an toàn của con người và các giá trị xã hội vùng ven biển.
Thời gian gần đây, Việt Nam đã đưa ra các sáng kiến và nỗ lực quản lý rác nhựa biển như thúc đẩy hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa. Tại GEF6, Việt Nam đã đề xuất các nước cùng xây dựng, phê duyệt và thực thi chiến lược và kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa ở khu vực các biển Đông Á; giảm sản lượng sản xuất nhựa, tăng cường quản lý việc buôn bán và sử dụng sản phẩm nhựa; tăng cường đổi mới công nghệ để có thể thay thế các sản phẩm nhựa có khả năng phân huỷ sinh học; Hợp tác, chuyển giao công nghệ để làm sạch biển, chú trọng việc thực hiện các hoạt động dựa vào cộng đồng thông qua các chương trình, dự án, chiến dịch được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Tại kỳ họp GEF6, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã đề xuất các nước hợp tác trong ngăn ngừa rác thải nhựa ở biển từ nguồn; thiết lập một Trung tâm nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các nghiên cứu trong xây dựng chính sách, đánh giá tác động của rác thải nhựa ở biển tới môi trường, các hệ sinh thái biển, các ngành kinh tế biển.
Đặc biệt, đối với vấn đề rác nhựa trên biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm đầu mối giúp Bộ trưởng thống nhất quản lý về vấn đề rác thải nhựa đại dương; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai sáng kiến của Việt Nam về rác thải nhựa đại dương đã đề xuất tại GEF6. Hiện Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo – Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang đề xuất thực hiện Dự án: “Điều tra, đánh giá hiện trạng rác thải nhựa ở Việt Nam; đề xuất giải pháp kiểm soát, quản lý.”
Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi nhận định Hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực biển và hải đảo đang ngày càng phát triển và hiệu quả. Thời gian qua Tổng cục đã có nhiều chia sẻ thông tin, đào tạo, tập huấn tại Nhật Bản trong lĩnh vực biển và hải đảo và tiếp tục tăng cường trong thời gian tới.Tổng cục đã xây dựng một số nội dung hợp tác như: chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài nguyên môi trường biển, phát triển kinh tế biển, hợp tác về điều tra nghiên cứu khoa học biển… Sắp tới, việc xây dựng và triển khai dự án hợp tác giữa hai nước về rác thải nhựa đại dương sẽ được triển khai.
Mai Anh (TH)