Tìm giải pháp xử lý sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 06:32, 27/06/2021

Moitruong.net.vn – Với mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, cần giải pháp hiệu quả để sạt lở đất không còn là nỗi ám ảnh.

Hiện tượng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu long đã và đang đe dọa trực tiếp đến đời sống sản xuất của người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, chỉ trong tuần đầu tháng 6/2021, toàn tỉnh đã xảy ra 39 vụ sạt lở đất ven sông, ven biển, làm hư hỏng gần 200m đường bê tông, 22 căn nhà bị thiệt hại, gây ảnh hưởng đến hoạt động của 3 trại tôm giống… Tại đê biển Tây đoạn qua huyện Trần Văn Thời và U Minh cũng xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng, với tổng chiều dài khoảng 1.700m, gây nguy cơ vỡ đê. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, thiên tai và biến đổi khí hậu khiến 3 mặt biển tại địa phương thường xuyên xuất hiện sóng lớn đánh thẳng vào bờ, gây sạt lở đê biển.

Còn tại tỉnh đầu nguồn An Giang, vụ sạt lở bờ sông Châu Đốc xảy ra ngày 5-6 trên địa bàn ấp An Thạnh, thị trấn An Phú, huyện An Phú khiến 70m bờ sông bị sạt lở, lấn sâu vào đất liền khoảng 15m, ảnh hưởng đến 6 nhà dân. UBND tỉnh An Giang đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở các khu vực này.

Anh Trương Công Hoàng ở ấp An Thạnh cho biết: “Sạt lở khiến một phần của 2 căn nhà bị sạt xuống sông. Điểm sạt lở còn đe dọa tỉnh lộ 957 từ An Phú đi thị xã Châu Đốc khiến chúng tôi rất lo lắng”.

Từ đầu tháng 6/2021 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch còn xảy ra ở thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… Lý giải về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, sạt lở bờ sông do biến đổi khí hậu và các công trình xây dựng đầu nguồn sông Mê Kông khiến dòng nước chảy mạnh hơn, gây sạt lở. Ở hạ nguồn, nhiều công trình xây dựng sát bờ sông cùng tình trạng khai thác cát quá mức cũng khiến tình trạng sạt lở xảy ra nghiêm trọng hơn.

Để khắc phục tình trạng sạt lở đê biển, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Lê Thanh Triều cho biết, đang phối hợp với các bộ, ban, ngành đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu xây dựng hệ thống đê kè kiên cố trên từng đoạn của 254km bờ biển, trong đó đặc biệt chú trọng gia cố tuyến đê biển Tây để kịp đưa vào sử dụng trong mùa mưa bão năm nay.

Tình trạng sạt lở đất đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. (Ảnh minh họa)

Về xử lý sạt lở bờ sông, kênh rạch, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai các giải pháp đồng bộ. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, các huyện đang chủ động sử dụng nguồn kinh phí phòng, chống thiên tai khắc phục các điểm sạt lở nhỏ; xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh triển khai các dự án quy mô lớn hơn.

Cũng với tinh thần này, từ năm 2018 đến nay, thành phố Cần Thơ đã xây dựng 10 công trình kè với chiều dài gần 18,5km, kinh phí 2.639 tỷ đồng. Có 8 công trình kè đang triển khai dài 21,12km, kinh phí 2.345 tỷ đồng. Tỉnh Vĩnh Long cũng đã xây được 20 tuyến kè chống sạt lở kiên cố dài 14,6km tập trung ở các đô thị.

Từ năm 2018 đến nay, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bên trình Chính phủ và Quốc hội hỗ trợ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hơn 6.622 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để xử lý sạt lở bờ sông, đê biển. Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng hỗ trợ 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xử lý cấp bách các khu vực sạt lở.

Còn Bộ Xây dựng đang đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách vay vốn ưu đãi làm nhà ở cho người dân tại vùng ngập lũ thường xuyên và vùng sạt lở nguy hiểm thuộc các tỉnh: An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ từ nay đến năm 2025 được vay vốn xây dựng nhà ở tại các cụm tuyến dân cư mới, với mức vay tối đa là 40 triệu đồng/hộ, lãi suất 3%/năm. Thời hạn vay tối đa 15 năm đối với các hộ nghèo và cận nghèo, 10 năm đối với các hộ khác…

Nam Anh

Nam Anh