Sắp xuất hiện 4 hiện tượng thiên văn kỳ thú ở Việt Nam tháng 8 này
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 02:30, 07/08/2021
Mưa sao băng. Ảnh: AFP
Theo Hội Thiên văn Hà Nội HAS, từ nay đến hết tháng 8.2021 sẽ ghi nhận 4 hiện tượng thiên văn kỳ thú. Mưa sao băng Perseids (còn gọi là Anh Tiên) là một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất năm, với tần suất lên tới 60 vệt sáng mỗi giờ tại cực điểm sẽ diễn ra vào giữa tháng.
Trăng mới vào ngày 8/8
Mặt trăng sẽ ở cùng hướng với trái đất và mặt trời. Hiện tượng này xảy ra lúc 13h51 UTC (tức 20h51 giờ Việt Nam). Đây là khoảng thời gian tốt nhất trong tháng để quan sát những vật thể mờ như là thiên hà và các cụm sao do không bị ảnh hưởng bởi ánh sáng của mặt trăng.
Mưa sao băng Perseids vào ngày 12 – 13/8
Mưa sao băng Perseids là một trong những trận mưa sao băng đẹp nhất năm, với tần suất lên tới 60 vệt sáng mỗi giờ tại cực điểm. Các sao băng Perseids có nguồn gốc từ sao chổi Swift-Tuttle, được phát hiện vào năm 1862.
Perseids nổi tiếng bởi một số lượng lớn những vệt sao băng sáng trên bầu trời. Mưa sao băng thường diễn ra hằng năm từ 17 đến 24 tháng 8. Cực đại trong năm 2021 sẽ diễn ra vào đêm 12 rạng sáng ngày 13 tháng 8.
Trăng lưỡi liềm đầu tháng sẽ để lại một bầu trời tối, tạo điều kiện cho việc quan sát vào năm nay. Nơi quan sát tốt nhất là ở những khu vực tối sau nửa đêm.
Sao Mộc ở vị trí xung đối vào ngày 19/8
Hành tinh khổng lồ này sẽ ở vị trí gần với trái đất nhất và bề mặt của nó sẽ sẽ phản xạ hoàn toàn ánh sáng mặt trời về phía trái đất. Sao Mộc sẽ sáng nhất tại thời điểm này trong năm và có thể được quan sát suốt đêm.
Đây sẽ là khoảng thời gian tốt nhất để chụp và ngắm sao Mộc cùng với những vệ tinh của nó. Một chiếc kính thiên văn kích thước trung bình sẽ giúp người xem thấy các sọc mây của sao Mộc. Một cặp ống nhòm tốt sẽ cho phép bạn nhìn thấy bốn vệ tinh lớn nhất của sao Mộc, xuất hiện như là những đốm sáng bên cạnh hành tinh này.
Trăng tròn vào ngày 22/8
Mặt trăng sẽ ở vị trí đối diện với trái đất và mặt trời. Bề mặt của mặt trăng sẽ phản xạ hoàn toàn ánh sáng mặt trời về phía trái đất.
Hiện tượng này xảy ra lúc 12h02 UTC (tức 19h02 giờ Việt Nam). Lần trăng tròn này cũng được biết đến với tên khác như trăng cá tầm, trăng ngô Xanh hay trăng Ngũ Cốc, trăng xanh.
Theo LĐO