Quảng Ninh: Chủ động ứng phó với thiên tai, mùa mưa bão năm 2021
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 00:30, 18/08/2021
Mới đây, vụ sạt lở bờ kè tại tổ 8, khu 4, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh làm 3 người thiệt mạng, 1 người bị thương. Cả 4 người đều là công nhân xây dựng cho nhà dân, sinh sống tạm thời trong lán dựng tạm ngay bên dưới chân kè. Khi sạt lở, 4 người đang ngủ nên không kịp chạy thoát.
Khi vụ việc buồn này xảy ra, không ít người tỏ ra bất bình khi đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn TP Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung xảy ra sự cố sạt bờ kè gây thiệt hại về người và tài sản.
Quảng Ninh chủ động ứng phó thiên tai bão lũ
Có thể nói, đối với phòng, chống mưa bão thì sự chủ động “3 trước, 4 tại chỗ” của mỗi địa phương, đơn vị là vô cùng quan trọng. Trong đó có việc rà soát, xử lý những điểm, địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng của mưa lũ để chủ động các phương án cảnh báo, di dời trước mùa mưa bão, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Nhất là Quảng Ninh với địa hình đồi núi, cùng với đó là những bãi thải mỏ, công trường khai thác than xen kẹp với khu dân cư thì nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa bão đến là rất cao.
Chủ động ứng phó với BĐKH, thời gian qua tỉnh đã nhận diện những tồn tại, bất cập, cũng như những áp lực đối với môi trường, từ đó ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án, đề án bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng thực hiện các dự án về quản lý rác thải nhựa đô thị; trồng rừng, phục hồi, tái sinh rừng; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; cải tạo và phục hồi môi trường các khu vực ô nhiễm tồn lưu; thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư… Đồng thời xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, lồng ghép trong các cơ chế, chính sách xúc tiến đầu tư, hỗ trợ của nước ngoài cho các hoạt động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn. Đặc biệt, đưa công tác ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường vào nội dung sinh hoạt của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội; chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên trong nhà trường… Thông qua công tác truyền thông, nhận thức của người dân, các ngành, các cấp về ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường được nâng lên rõ rệt. Từ chỗ người dân có hiểu biết, có kiến thức ứng phó, thích ứng với BĐKH chỉ chiếm khoảng 1,5% dân số của tỉnh, đến nay nâng lên trên 60%.
Trên địa bàn tỉnh hiện đã xây dựng cơ sở dữ liệu đặc biệt phục vụ cho cảnh báo và phòng chống thiên tai với nhiều phương án đa dạng, linh hoạt, phù hợp thực tế, như: Phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão; phương án bảo vệ 5 vùng trọng điểm trên địa bàn tỉnh; xây dựng bản đồ nước biển dâng do bão với 5 kịch bản mô phỏng (4 kịch bản tương ứng với 4 cấp bão 13, 14, 15, 16 tổ hợp với triều cường; 1 kịch bản ứng với cấp bão 13 tổ hợp với triều cường trung bình); xây dựng bản đồ lũ quét, sạt lở trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chủ động triển khai biện pháp phòng, chống mưa to gây ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở trên địa bàn tỉnh. Trong đó phải theo dõi thường xuyên, chặt chẽ diễn biến mưa lũ, cảnh báo thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, đến tận tổ dân, khu phố và người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở các bãi thải khai thác than, ngập lụt các khu vực trũng, thấp. Cùng với đó, chủ động có phương án đề phòng, sẵn sàng di dời và thực hiện phương án cứu hộ, cứu nạn khi mưa, lũ lớn, sạt lở đất đá xảy ra; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các tuyến đê, các hồ đập. Đặc biệt phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong mọi tình huống khi có mưa, lũ, sạt lở.
Minh Kiên