Chủ động phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão năm 2021
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 06:30, 15/08/2021
Mùa mưa bão đến trong bối cảnh dịch COVID-19 đã gây ra rất nhiều khó khăn trong việc giúp người dân đến nơi an toàn khi thiên tai xảy ra; việc diễn tập phòng, chống thiên tai, thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn…
Chủ động phòng, chống thiên tai trước mùa mưa bão năm 2021
Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch COVID-19 còn phức tạp cũng như chủ động ứng phó trước mùa mưa bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã có văn bản chỉ đạo cụ thể đối với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để đảm bảo các phương án vừa an toàn dịch bệnh, vừa chủ động phòng, chống thiên tai. Mùa bão, lũ diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 nên trong công tác phòng, chống thiên tai cần căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương để ứng phó. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị có thể thực hiện việc diễn tập, họp thông qua công nghệ thông tin; tuyệt đối tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, năm 2021, lũ quét xảy ra sớm hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang). Ngoài ra, theo dự báo, mùa mưa bão năm nay có khoảng 12-14 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có 5-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới có thể ảnh hưởng tới đất liền nước ta… Do vậy, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố vừa cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa cần nêu cao tính chủ động trong công tác phòng tránh, ứng phó với thiên tai.
Từ đầu năm đến nay, đã xuất hiện bốn cơn bão trên Biển Đông, như vậy, những tháng cuối năm, bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xảy ra dồn dập. Do vậy, Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh, thành phố vừa cần thực hiện tốt việc phòng, chống dịch Covid-19 vừa nêu cao tính chủ động trong ứng phó với thiên tai, theo phương châm “bốn tại chỗ” trong tình huống xảy ra “thảm họa kép” cả thiên tai và dịch bệnh.
Để chủ động ứng phó, không để bị động với “thảm họa kép”, thì lực lượng xung kích PCTT địa phương luôn là lực lượng nòng cốt, tuyến đầu. Theo đó, lực lượng này cần được tập huấn thuần thục các phương án ứng phó các tình huống rủi ro thiên tai có thể xảy ra trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra, thông tin, truyền thông có vai trò quan trọng để giúp người dân chủ động phòng tránh. Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đã đưa ra một số hướng dẫn để các địa phương xây dựng các kịch bản ứng phó khi vừa PCTT vừa phòng, chống dịch bệnh.
Các cơ quan chuyên môn cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, cần tập trung nghiên cứu, cung cấp chi tiết thông tin dự báo khi xảy ra thiên tai tại vùng đang xảy ra dịch bệnh. Rà soát phương án ứng phó thiên tai ở vùng có dịch Covid-19 theo phương châm “bốn tại chỗ”, chú trọng nguồn lực, vật tư, phương tiện, cơ sở hạ tầng…; diễn tập tình huống bảo đảm sát với thực tế tại các địa phương, nhất là phương án sơ tán, di dời dân phù hợp để đạt được mục tiêu PCTT và dịch Covid-19.
Hà An